Nếu cố gắng có kết quả, người ta đã không phải cố chấp trong vô vọng. Nếu hy sinh có kết quả, người ta đã không phải mất mát quá nhiều. Có những điềm báo mà bản thân rõ ràng đã thấy, chỉ là một mực không tin, một mực cố chấp. Phụ nữ tổn thương, sao phải đợi quá lâu chỉ để buông tay?
Chị tôi cuối cùng cũng đã ly hôn. Đó là một cuộc >hôn nhân mà người phụ nữ tổn thương như chị đã tốn quá nhiều nước mắt trong suốt 15 năm qua.
Tôi còn nhớ, cách đây 7 năm, tôi từng cố gắng kéo chị ra khỏi một người chồng vũ phu, một gia đình chồng xem thường con dâu đến thậm tệ và một cuộc hôn nhân chỉ còn lại mình chị cố gắng. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho chị cả một cuộc sống mới để chị không hụt chân sau ly hôn. Nhưng cũng tại tòa lúc đó, thấy chồng khóc lóc năn nỉ, chị lại đòi rút đơn. Giận không nổi, tôi cuối cùng vẫn ôm chị, khóc cùng chị suốt đoạn đường về. Vì tôi biết chị có lý do của mình, một lý do mà có lẽ chỉ những người vợ, người mẹ mới hiểu. Chị vẫn muốn giữ lại gia đình của mình, chị vẫn không muốn buông tay.
Đến hôm nay, thêm 7 năm nữa trong cuộc hôn nhân ấy, chị tự động nộp đơn ra tòa. Chị còn chẳng cần lời khuyên hay thúc ép từ tôi. Và cũng như phiên tòa cách đây 7 năm, người chồng kia vẫn nước mắt lưng tròng nhìn chị đớn đau. Chị chỉ cười rồi bảo: “7 năm rồi, nước mắt của gã ta cũng chẳng thể chân thật hơn được”.
Có lẽ khi thật sự muốn buông tay, đàn bà mới thấy hết những dại dột, khờ khạo của mình. Như kẻ tỉnh khỏi u mê, đôi mắt cũng sáng rõ hơn. Chị hay nói, chị tiếc 7 năm qua chẳng đổi lại được gì ngoài một vết thương trên lưng chị, một vết sẹo dài trên trán con gái chị đều do chồng gây ra. Chị không bao giờ có thể đứng thẳng lưng như trước, hay bé con của chị cả đời đều phải để tóc mái để che đi vết sẹo. Mà hơn hết chắc là tổn thương hằn sâu trong lòng hai mẹ con, chẳng dễ dàng phai mờ.
Chị hay tự hỏi chính mình, rằng sao có thể chịu đựng nhiều như thế, chịu đau giỏi như thế, để đến cuối cùng vẫn là buông tay? Nếu thế sao không buông sớm hơn, cớ gì phải cố chấp đến thế? Sao không thương lấy mình và con nhiều hơn để không phải nhận thêm bất kì tổn thương nào khác? Sao phải đợi tới khi thương tổn quá sâu mới chịu kết thúc?
Có lẽ, người ta chẳng thể hay biết bản thân cố chấp vô ích, khi họ còn niềm tin và hy vọng. Nếu trái tim họ còn lửa, bão giông cỡ nào cũng đâu dập được.
Tôi nói với chị, chị tốn 7 năm đó để chị có thể thật sự buông bỏ, cũng đừng tiếc. Bởi một lần buông bỏ đổi lấy một đời về sau khổ tâm, cũng thật đáng. Chị hãy nghĩ như vậy, lòng chắc sẽ bình yên hơn.
Người ta thường nói, phụ nữ tổn thương rồi tự khắc sẽ biết buông. Nhưng nếu có thể lựa chọn, sao không sớm buông tay trước khi đau quá nhiều, tổn thương quá sâu? Nếu cố gắng có kết quả, người ta đã không phải cố chấp trong vô vọng. Nếu hy sinh có kết quả, người ta đã không phải mất mát quá nhiều. Có những điềm báo, bản thân rõ ràng đã thấy, chỉ là một mực không tin, một mực cố chấp.
Đàn bà ở đời, khổ tâm đều là vì chỉ đợi khi tổn thương quá sâu mới chịu buông tay. Đến khi thật sự buông tay rồi lại giật mình nhận ra điều tiếc nuối nhất là đã bỏ lỡ tháng năm vô ích vì kẻ không xứng đáng. Thời gian không quay lại, tổn thương cũng khó lành lại, còn thứ mình từng cố chấp cũng mãi mãi không thuộc về mình.
Nếu có thể, đàn bà ở đời hãy học cách buông khi lòng đã quá nhiều tổn thương. Bởi vì càng nắm thì sau này sẽ càng tiếc nuối. Cái kết chỉ có một, chỉ có sớm thì bớt đau, mà muộn thì tiếc nuối khôn nguôi…