Nếu sống chung chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn thì ly hôn còn có tia nhỏ hy vọng. Vậy thì tại sao tôi và người vợ của vị vua cà phê kia không có quyền chọn giải pháp có hy vọng, dù rất nhỏ đó?
Hôm qua, tôi đọc được status của một hot facebooker, bàn về vụ >ly hôn của >vợ chồng vua cà phê. Chị tiết lộ: “T. yêu chồng, đoan trang và đến giờ này thì nghĩa - tình với V. vẫn còn nguyên đó. Ly hôn chỉ là giải pháp tình thế. Vì “vua” cà phê đã lên núi tuyệt thực và luyện công, không còn quan tâm đến công việc, nên bị người khác lợi dụng”. Tò mò, tôi lần sang những trang khác, cũng đề cập đến vụ ly hôn bạc tỷ này.
Một hot facebooker khác đặt dấu hỏi: “Yêu kiểu gì mà chủ động ly hôn và ngay ngày vợ tặng hoa cho chồng cũng là ngày tòa gửi trát mời ly hôn”.
Tôi không biết thực hư mối quan hệ của đôi vợ chồng nổi tiếng này, nhưng tôi đồng cảm với tuyên bố của người vợ: vẫn còn thương yêu chồng, nhưng phải ly hôn, vì không còn giải pháp nào khác để mọi việc tốt hơn. Tôi đồng cảm, vì tôi thấy mình trong đó.
Vợ chồng tôi kết hôn đã 10 năm và có 9 năm 3 tháng rất hạnh phúc. Chồng tôi hiền lành, có trách nhiệm và yêu thương vợ con. Anh không nhậu, không hút thuốc, không la cà bạn bè. Đúng 7g, anh ra khỏi nhà và 17g về. Thỉnh thoảng anh cũng về trễ, vì đi tìm quà sinh nhật tôi hay 8/3, 14/2, kỷ niệm ngày cưới… Tôi luôn nghĩ mình rất may mắn mới lấy được anh và tôi không bao giờ nghĩ sẽ buông tay chồng hay ly hôn. Vậy mà giờ tôi còn cách tòa án chỉ vài bước chân, dù tôi vẫn yêu thương chồng.
Cách đây 9 tháng, tôi thấy chồng bỗng dưng trầm lặng, không còn đùa giỡn với vợ con mỗi tối như bao năm qua. Khi tôi rủ chồng chụp hình selfie với con như thường lệ, anh quát “dẹp trò này đi”. Tôi há hốc vì những lời đó như từ một người khác. Tôi hỏi: “Anh nói cái gì vậy?”, chồng tôi trừng đôi mắt đỏ lừ, chỉ mặt tôi: “Mày coi chừng tao đó, đừng tưởng tao không biết mày làm gì ngoài đường. Dẹp mấy cái trò giả vờ hạnh phúc này đi”. Tôi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì xảy ra. Từ tiếng quát, cái chỉ tay đến từ “mày” đều là lần đầu trong đời tôi nghe từ anh. Hai đứa con gái 5 tuổi, 7 tuổi của chúng tôi cũng sững người nhìn cha đầy vẻ xa lạ.
Tôi bảo con ra ngoài chơi, quyết hỏi chồng cho ra lẽ; nhưng anh chỉ buông đúng một câu: “Em làm gì tự em biết”. Tôi hiểu là anh đang ghen - cũng là lần đầu tôi thấy. Nhưng anh ghen vì điều gì? Tôi và anh đều là công chức, lương ba cọc ba đồng, cả ngày quay cuồng với áo cơm, con cái… Tôi đi làm bạc mặt, không chút phấn son, trang phục cũng chỉ quần jeans và áo thun để khỏi mất thời gian ủi, thỉnh thoảng những dịp tiệc tùng mới diện đầm hay áo kiểu có đăng-ten, có nơ, có bướm. Điện thoại của tôi không cài mật khẩu, laptop thì vợ chồng xài chung. Tôi vào cơ quan là dán chặt vào ghế tới khi xong việc mới về. Tôi đã làm gì nên tội? Nhưng khi cơn ghen đã nổi lên, chồng cho rằng đó chỉ là những thủ thuật của tôi hòng qua mắt anh.
Chồng tôi bị những suy nghĩ ghen tuông hành hạ đến mất ăn mất ngủ và anh trút tất cả lên tôi và các con. Từ một người cha hiền lành, dịu dàng với con, người chồng nhẹ nhàng với vợ, anh trở nên cáu gắt, cộc cằn, thậm chí có hôm anh đánh con chỉ vì chúng… cười to tiếng. Con tôi cứ nghe tiếng xe cha về là hết vui và nếu chúng chưa kịp chui vào phòng thì sẽ lấm lét, nép sau lưng tôi hay sau salon rồi khe khẽ thưa cha mới về. Nghiêm trọng hơn, trong cơn ghen, anh truyền những điều tiêu cực về tôi vào hai con: nào là mẹ đi chơi bỏ 3 cha con, mẹ không thương các con nữa, mẹ sắp có ba mới… khiến các con tôi luôn hoang mang, sợ hãi.
Tôi nhờ bạn bè, gia đình hai bên lẫn những người có tiếng nói với anh khuyên nhủ; nhưng anh vẫn cho rằng, mọi người bênh vực tôi. Tôi nhờ gia đình chồng đưa anh đến bác sĩ khám >sức khỏe tâm thần. Bác sĩ nói anh có triệu chứng của thể hoang tưởng ghen tuông. Anh không tin và nhất định không uống thuốc. Sự đa nghi của anh với tôi ngày càng lớn. Anh còn đe dọa sẽ “xử” tôi với nhân tình.
Hơn một năm sống trong tình cảnh ngột ngạt ấy, tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng mỗi khi ngồi trước trang giấy trắng, chuẩn bị viết đơn, tôi lại nhớ đến những kỷ niệm ngọt ngào chúng tôi từng có. Trên hết, tôi biết chồng là người tử tế, có thể chỉ vì áp lực công việc và mất ngủ lâu ngày nên anh trở bệnh. Tôi vẫn muốn cùng anh vượt qua khó khăn, cùng anh đi hết tháng năm cuộc đời. Nhưng nhìn anh trút giận lên con, bơm vào đầu con những điều xấu xa về mẹ, về cuộc sống cũng như thấy mình thất bại trong những nỗ lực hóa giải hiểu lầm, điều trị bệnh cho anh, tôi biết chia tay là giải pháp tốt hơn. Biết đâu, khi sống xa nhau, anh sẽ bình tâm và nhận ra chân tình tôi dành cho anh. Nếu sống chung chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn thì ly hôn còn có tia nhỏ hy vọng. Vậy thì tại sao tôi và người vợ của vị vua cà phê kia không có quyền chọn giải pháp có hy vọng, dù rất nhỏ đó.