Rót cốc trà đá bằng đôi tay khẳng khiu, run run, người đàn ông đấy kể về cuộc đời mình với giọng xót xa, tiếc nuối.
Nhìn người đàn ông ốm yếu, tiều tụy chỉ còn da bọc xương, không ai có thể ngờ rằng chỉ cách đây vài năm, anh ta là một vũ sư có cơ thể cường tráng, khỏe mạnh, hút hồn người khác phái. Người đàn ông đó là Toàn (quê ở Hoài Đức, Hà Nội). Sau một thời gian lầm đường lạc lối, cuộc đời Toàn chỉ còn những chuỗi ngày tăm tối.
Năm 2007, Toàn tốt nghiệp trường Đại học Công đoàn và xin vào một doanh nghiệp có vốn nhà nước làm công tác phong trào. Vốn là một người khiêu vũ giỏi từ hồi còn đại học, Toàn đăng ký dạy khiêu vũ ở một trung tâm văn hóa quận Hoàn Kiếm. Ban ngày đi làm, buổi tối đi dạy khiêu vũ, cuộc sống của Toàn cũng chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm. Tuy thế, Toàn vẫn luôn ao ước sẽ làm được điều gì đó lớn lao hơn là nhân viên “phong trào” của công ty và dạy nhảy với thù lao ít ỏi.
Trong lớp dạy nhảy có nhiều học viên lớn tuổi, phần lớn là phụ nữ đã có gia đình, sau mỗi khóa học Toàn lại tổ chức cho các hội viên câu lạc bộ đến các vũ trường để khiêu vũ. Nhiều người ngỏ ý mời Toàn làm “vũ sư riêng”, mỗi tuần vài lần “dắt” nhảy ở vũ trường. Thấy tiền công cũng khá nên Toàn thu xếp thời gian để “dìu dắt” các bà các cô. Cũng chính từ đây, cuộc đời của Toàn sang trang mới.
Lần đầu tiên Toàn “trượt” vào vòng xoáy của đồng tiền khi một phụ nữ giàu có, tuổi ngoài 50 mời anh làm “vũ sư” kiêm “bạn nhảy” với tiền công 15 triệu một tháng, tính ra cũng gấp 3 lần tiền lương cả ngày 8 tiếng ngồi ở văn phòng. Toàn nhận lời người phụ nữ ấy và tự nhủ sẽ giữ khoảng cách để không xảy ra chuyện như thiên hạ vẫn đồn về những người dẫn nhảy. Hơn nữa, lúc đó Toàn cũng đang có người yêu nên anh sẽ cố gắng kiếm tiền để trang trải cuộc sống mà không làm bạn gái phải lo lắng, buồn phiền.
Nhưng cạm bẫy cuộc đời không chừa một ai. Lần đầu tiên Toàn sa chân chính là khi người đàn bà ấy ngỏ ý muốn tặng sinh nhật Toàn một món quà đắt giá, đó là chiếc xe máy trị giá gần 50 triệu đồng. Cũng ngay trong ngày nhận được món quà, bà ta đã mời Toàn đi uống rượu để chúc mừng. Sau tiệc rượu, Toàn đã “cả nể” đưa bà ta về khách sạn. Cuộc mây mưa đầu tiên với một “khách hàng” diễn ra nhanh chóng và không quá mất sức, lại được món quà lớn nên Toàn nghĩ, một lần cũng chẳng sao.
Sau đó, người phụ nữ ấy luôn mời gọi Toàn hết lần này đến lần khác và lần nào cũng “tăng lương”. “Làm việc” với bà ta được hai tháng thì bà ta lại giới thiệu Toàn với một người đàn bà khác như một món hàng ngon được chia sẻ. Cứ thế, hết lần này đến lần khác, hết người này đến người khác, số tiền Toàn tích cóp được ngày càng nhiều thêm, đủ cho anh mua một căn hộ ở nội thành. Thay vào đó, Toàn bỏ hẳn công việc văn phòng và nghỉ dạy ở câu lạc bộ khiêu vũ, chuyển hẳn sang “nghề trai nhảy”, hay nói đúng hơn là “trai bao”.
Cũng vì công việc này mà Toàn không giữ được người bạn gái bên mình. Cô bỏ đi lấy chồng, còn Toàn thì say mê “kiếm tiền” bằng vốn tự có. “Bị người yêu bỏ, mình càng chán nản hơn cho nên buông xuôi cuộc sống, lao vào kiếm tiền theo cách đó. Mình chỉ muốn làm một thời gian sau đó bỏ nghề, kiếm một công việc ổn định cho xứng với tấm bằng đại học, nhưng chưa kịp bỏ nghề thì mình bị bệnh”, Toàn tâm sự.
Do quan hệ với nhiều người nên Toàn bị bệnh Herpes. Ban đầu Toàn thấy nhiều vết rộp xuất hiện trên cơ thể ở phần đùi, mông, bộ phận sinh dục. Sau đó lan ra khắp nơi, phồng trên môi, lưỡi… và đau khắp người. Toàn đi khám mới biết bị bệnh do quan hệ tình dục với nhiều đối tượng. Tuy đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, hoặc chỉ khỏi một thời gian lại bị lại. Căn bệnh khiến Toàn không thể tiếp tục “đi khách” bởi không thể “hành sự” với các quý bà. Sức khỏe của Toàn sa sút nghiêm trọng, ăn không ngon, ngủ không được, suy nhược và sụt cân thảm hại. Có đợt Toàn phải nằm viện mấy tháng trời.
“Có những lúc mình cảm giác như không còn sức sống. Mình phải về quê để dưỡng bệnh và nhờ bố mẹ chăm sóc. Định khi khỏe lại sẽ kiếm một công việc ổn định làm. Nhưng đến giờ đã ngót 5 năm, tình trạng >sức khỏe cũng không khá hơn, số tiền tiết kiệm được cũng đã xài hết vào việc chữa bệnh. Hiện nay mình chỉ trông chờ vào những đồng tiền bán nước trà đá ở cái quán này để nuôi bản thân và giúp đỡ bố mẹ chút ít”, Toàn chua xót tâm sự.
Hiện Toàn đã về Hoài Đức và dựng một cái chòi ở ngõ nơi mọi người và xe cộ qua lại để bán trà đá. Nhìn Toàn không ai ngờ rằng anh mới chưa đến 40 tuổi, bởi thân hình tiều tụy và vẻ mặt già nua khắc khổ. Toàn cho biết giờ anh có rất nhiều bệnh trong người, sức đề kháng kém nên không thể làm việc nặng. “Có lẽ do mình làm điều không tốt, kiếm tiền không chân chính, lại làm đau lòng người yêu nên mình phải trả giá. Ở hoàn cảnh này mình không dám nghĩ đến việc lấy vợ nữa”, Toàn chia sẻ.
Rời quán cóc ở làng quê, tôi không khỏi đau xót cho một mảnh đời sa chân lỡ bước. Hy vọng rằng Toàn sẽ tìm được cho mình một cuộc sống an phận.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.