Tôi tự hỏi, thay vì dành thời gian kể lể với mọi người, cố gắng chứng tỏ bản thân… sao anh không dùng để vun đắp tình cảm gia đình?
Anh là anh rể cũ của chồng tôi. Anh chị ly hôn không lâu sau đám cưới của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu vì tính gia trưởng và độc tài của anh. Không chỉ thế, anh còn có nhu cầu “chia sẻ” quá cao - việc lớn nhỏ gì anh cũng mang ra kể với khắp bàn dân thiên hạ.
Cơ bản, tôi vẫn công nhận anh là người đàn ông tốt, ít nhất là về mặt cư xử hòa hiếu với gia đình vợ cũ cũng như chu toàn nghĩa vụ chu cấp cho con. Thế nhưng, qua vài lần nói chuyện với anh, tôi hiểu vì sao chị phải ly hôn, xem đó như giải pháp tự cứu. Khi anh hỏi tôi có thích làm việc cho công ty tư nhân không và tôi bảo không, anh đã dành ra cả tiếng đồng hồ để nói chuyện nhằm “giúp” tôi nhận ra mình dại dột thế nào. Suốt buổi nói chuyện, anh luôn cố chứng minh rằng anh đúng tôi sai và chỉ những người chọn làm việc cho tư nhân mới là thức thời, khôn ngoan, sáng suốt. Tôi càng im lặng, ráng giữ không khí nhẹ nhàng, anh càng tin tôi đã hiểu ra vấn đề nên chốt lại một câu xanh rờn: “Có vẻ em đã sáng ra rồi đấy”, khiến tôi ngơ ngác.
Một lần khác, bất chấp việc có mặt tôi ở đó, anh giáo huấn hai mẹ con chị đủ thứ việc, rồi quay sang nói với tôi: “Cái nhà này mà không có anh là hỏng hết. Anh phải lèo lái, định hướng tất cả mọi việc lớn nhỏ. Không có anh là chết hết”. Một cảm giác chờn chợn trong lòng khi tôi nhìn thấy ánh mắt của chị. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ rằng, cuộc >hôn nhân của anh chị sẽ không thể tồn tại lâu dài được.
Chị kể, để nắm rõ tình hình thu chi trong gia đình, anh đã làm một cuộc khảo sát và thăm dò trên diện rộng - từ bạn bè, người thân của cả anh lẫn chị. Anh hỏi họ có thấy chị vung tay quá trán không, có mua sắm xa xỉ không, hỏi họ xem chị tiêu xài 6 triệu đồng một tháng cho nhu cầu của gia đình liệu có hợp lý không. Khi ai cũng bảo rằng, một gia đình có con đang tuổi ăn học và bao khoản cần chi, lại ở một thành phố có mức sống cao thì chi phí như vậy đã là thắt lưng buộc bụng rồi, lúc ấy anh mới chịu tin chị.
Không lâu sau đó, một hôm tôi đang làm việc thì anh gọi, bảo có chuyện muốn chia sẻ. Anh kể chị có tình cảm với người khác, kể về những hành vi của chị mà anh cho là xấu, về “sự chịu đựng” của anh trong suốt những năm sống chung. Anh kết luận, chị mà bỏ anh thì chỉ có nước cạp đất mà ăn. Tôi cố gắng nhẹ nhàng khuyên anh nên bình tâm và tìm hướng giải quyết, đừng vội kết luận hay làm gì để phải ân hận về sau. Anh ừ hử, rồi cúp máy.
Tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó, nhưng khi tôi về thăm hai họ nội ngoại bên chồng, ai cũng hỏi vì sao chị tệ bạc với anh như thế trong khi anh quá tốt với vợ con và hết lòng vì gia đình. Từ các chú bác, các thím, anh chị em bên nội cho đến các dì, cậu mợ và họ hàng bên ngoại đều biết chuyện chị “ngoại tình”, tin rằng chị đã phụ tấm lòng của anh. Hóa ra, anh gọi điện cho từng người để kể lể sự tình, nói về công trạng của mình và bêu riếu tội lỗi của chị. Còn với gia đình anh thì gần như tất cả mọi người, từ già đến trẻ, ai cũng tường tận mọi chuyện, tất nhiên là theo cách nhìn nhận vấn đề của anh. Kể cả bạn bè của anh và chị, anh cũng kể không chừa một ai. Anh nói hết, kể hết… cả những chuyện thâm cung bí sử hay chuyện xưa lắc xưa lơ nhằm chứng minh anh đúng, chị sai.
Họ hàng hai bên, ai gặp tôi cũng đưa ra cùng một câu hỏi và có chung một nhận xét: “Con H. sướng không biết đường hưởng, có chồng tốt vậy mà còn sinh hư”. Tôi không biết phải nói sao cho họ hiểu và cũng chẳng có thời gian để giải thích với từng người. Tôi thấy “phục” anh vô cùng, vì có đủ thời gian và công sức làm điều mà không mấy người đàn ông lựa chọn. Tôi tự hỏi, thay vì dành thời gian kể lể với mọi người, cố gắng chứng tỏ bản thân… sao anh không dùng để vun đắp tình cảm gia đình?
Hôm rồi gặp lại anh, thấy rõ sự hối tiếc sau cuộc ly hôn với chị. Nhưng ngay sau đó, lại nghe anh kể công, tự hào mình là người cao thượng khi chia tay rồi mà vẫn quan tâm, chia sẻ và chu cấp đầy đủ cho chị và con. Chợt nghĩ, chuyện họ tái hợp chắc chẳng bao giờ xảy ra, nếu anh cứ mãi cho mình là đúng. Đường trở về, tự anh đã bít lối mất rồi.