Gần 12 giờ đêm anh mới về đến nhà. Mở cửa vào, anh ngỡ ngàng thấy đèn điện trong phòng khách sáng trưng nhưng lại chẳng có bóng dáng vợ đâu.
Khi một người đàn ông quyết định lập gia đình, trở thành một người chồng thì đó cũng là lúc họ phải ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân đối với tổ ấm của họ. Sẽ không còn được tự do, vô tư với các mối quan hệ như trước, cũng như cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều điều ràng buộc. Song nhiều người dù đã làm chồng lại vẫn muốn sống cuộc sống như 1 kẻ độc thân, mải mê với những cuộc vui quên mất cả gia đình.
Hữu (29 tuổi, Hà Nội) thừa nhận anh từng là một người chồng tệ hại vô cùng. Dẫu đã kết hôn nhưng anh vẫn bị những buổi nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè níu chân, 1 tuần thì có đến 5 tối anh không về ăn cơm với vợ. Vợ Hữu đã khuyên bảo từ nhẹ nhàng tới gay gắt nhưng đều không có tác dụng. Thậm chí khi vợ mang thai, Hữu vẫn duy trì cách sống vô trách nhiệm như thế.
"Tối đó tôi đang cùng bạn bè ở quán nhậu thì vợ gọi điện. Vừa nhìn thấy cô ấy gọi, tôi liền ngắt máy không nghe. Tôi cho rằng còn chuyện gì ngoài việc giục tôi về nữa, lần nào tôi đi nhậu chẳng vậy. Khi đó tôi còn bực dọc nghĩ, cô ấy mang thai không đi làm, tôi đi làm nuôi cả nhà vất vả thì cũng phải cho tôi ra ngoài giải tỏa căng thẳng chứ!", Hữu nói.
Chính vì nghĩ như thế nên khi thấy vợ gọi được 5 cuộc, Hữu phiền chán tắt luôn máy để vợ khỏi gọi. Gần 12 giờ đêm anh mới về đến nhà. Mở cửa vào, anh ngỡ ngàng thấy đèn điện trong phòng khách sáng trưng nhưng lại chẳng có bóng dáng vợ đâu. Anh gọi cô rồi tìm khắp cả nhà vẫn chẳng gặp được vợ. Lúc này Hữu chưa hề biết hành động không nghe máy của mình lại dẫn đến một hậu quả khủng khiếp như thế nào.
Cho đến khi nhìn thấy vết máu trên sàn nhà tắm, Hữu mới hoảng sợ cùng cực, vội vã gọi điện cho vợ. Người nghe máy lại là mẹ anh, bà bảo vợ Hữu đang ở bệnh viện. Anh làm sao có thể ngờ nổi, thời điểm cô gọi điện là lúc cô bị ngã trong nhà tắm. Những cơn đau ở bụng truyền đến khiến cô hoảng loạn, run rẩy gọi điện cho Hữu. Song anh lại tàn nhẫn ngắt máy, đợi đến khi cô gọi được mẹ chồng tới thì máu đã thấm ra ướt sàn nhà tắm. Tới bệnh viện, cái thai 4 tháng trong bụng cô đã không giữ nổi.
Hữu nhìn vợ xanh xao, phờ phạc nằm trên giường bệnh mà hối hận tột độ. Anh sụp xuống cạnh giường bệnh, câm lặng không thốt nổi thành tiếng. Lỗi lầm này của anh không đáng được tha thứ, đến lời xin lỗi anh cũng ngượng miệng chẳng dám nói ra lời. Giá như anh nghe máy của vợ rồi nhanh chóng về đưa cô đi viện, liệu có phải đứa con của họ vẫn giữ được hay không?
"Câu hỏi ấy dày vò tôi suốt nhiều ngày tháng sau đó, nỗi áy náy và dằn vặt khiến tôi không đêm nào có một giấc ngủ ngon. Nhất là sau khi ra viện, vợ viết đơn đòi ly hôn càng khiến tôi lâm vào khủng hoảng và tuyệt vọng. Tôi đã mất đứa con, không muốn mất đi cô ấy nữa", Hữu chia sẻ.
Hữu kể, thời gian đó vợ anh khăng khăng đòi ly hôn, không chấp nhận tha thứ cho anh. Nhờ gia đình đôi bên và bạn bè khuyên nhủ, cô mới chấp nhận tạm thời ly thân để yên tĩnh suy nghĩ lại. Hữu biết đó là cơ hội cuối cùng của mình nếu còn muốn níu kéo vợ. Vì thế suốt 1 năm ròng sau đó anh hoàn toàn thay đổi bản thân và tìm mọi cách chuộc lỗi, hy vọng vợ có thể đổi ý.
May mắn cho anh, sau 1 năm thử thách và ghi nhận sự cố gắng từ chồng, vợ anh quyết định quay về với Hữu. Anh tìm về được thứ quan trọng nên lần này anh đã biết cách giữ gìn và nâng niu hơn, không còn khiến vợ phải buồn tủi vì sự vô tâm, vô trách nhiệm của mình như trước. Vợ anh nhanh chóng mang thai khiến niềm hạnh phúc trở lại trong gia đình nhỏ của anh.
Hiện tại vợ Hữu đã sinh con đầu lòng, Hữu được lên chức bố, câu chuyện cũ kia chẳng còn ai nhắc tới nữa. Thế nhưng nó không bao giờ phai mờ trong tâm trí Hữu, luôn là lời cảnh tỉnh cho anh phải đối xử tốt với vợ con, trở thành một người chồng có trách nhiệm, nếu không hậu quả sẽ khó bề tưởng tượng nổi.
Nhiều người đàn ông vẫn nghĩ, đã là vợ thì phải thế này thế kia hay lấy nhau rồi cần gì phải quan tâm, săn sóc như lúc yêu, hoặc tệ hơn nữa là họ kiếm ra tiền nuôi gia đình nên tự cho mình cái quyền được thờ ơ, khinh thường vợ. Thế nhưng đó là suy nghĩ cực kỳ sai lầm, bởi hôn nhân là để chia sẻ và thấu hiểu, hôn nhân chưa bao giờ là sự chịu đựng nhau. Nếu còn giữ tư tưởng như thế, sớm muộn gì hôn nhân của những kẻ ấy cũng đi đến hồi hết và chính tay họ sẽ đánh mất thứ quý giá trong cuộc đời mình.