Ngày xưa khi mới lấy nhau, anh động viên cô, anh chỉ xa nhà vài năm, rồi sau đó xin chuyển công tác về nhà để gần vợ con. Nhưng bao năm rồi vẫn thế, cô có chồng cũng như không, làm gì cũng chỉ thui thủi một mình. Nhiều khi chán chồng bộ độ, cô muốn giải thoát cho cuộc đời mình, nhưng lại không đành.
Lấy chồng bộ đội phải chịu rất nhiều nỗi khổ. Khi sướng thì ai cũng biết nhưng khổ thì không ai hay. Chỉ có cô - người vợ tảo tần của anh mới thấu. Khi anh được thưởng vì đã lập được công giúp đồng đội thoát khỏi hiểm nguy, bố mẹ, anh chị em ai cũng nói tôi sướng chồng làm, giờ mình chỉ việc hưởng. Nhưng mọi người đâu có biết, cô không cần những thứ vinh dự phù phiếm và số tiền đó. Cái cô cần là một người chồng đúng nghĩa ở bên gia đình để đỡ đần cho vợ con.
Lấy chồng 10 năm, nhưng tính ra số ngày anh ở bên cô chưa được nổi 6 tháng. Cả năm anh mới về thăm vợ được vài lần. Ngày cô xách làn đi đẻ cũng có một mình, tủi thân vô cùng. Ngày con ốm cô cũng chạy vạy sấp ngửa để đưa con đi viện, nhiều khi muốn ngã quỵ vì quá mệt mỏi. Những lúc ấy cô tự nhủ nếu có chồng bên cạnh thì tốt biết mấy.
Bố mẹ chồng ốm, cô cũng tự tay chăm chóc, quán xuyến hết mọi việc từ trong ra ngoài, để chồng yên tâm công tác. Ai cũng nói cô thật giỏi và mạnh mẽ, nhưng trong sâu thẳm, trái tim cô rất cô đơn và yếu đuối. Đêm nào cũng khóc vì nhớ chồng, chỉ mong rằng một ngày nào đó anh sẽ chuyển công tác về gần nhà để được đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, dần dần cảm giác hoang mang, lo sợ trong cô trỗi dậy. Vì cô biết điều đó là rất khó vì anh là bộ đội hải quân. Thương chồng cô cũng thương cho thân phận của mình, thương cho các con vì không cảm nhận được sự ấm áp của cha. Những lúc như vậy, cô chán chồng bộ đội, ước gì ngày xưa mình đừng lấy anh. Cô sợ trái tim cô sẽ héo mòn vì anh. Và cũng sợ vì thiếu tình cảm của chồng mà cô sẽ rung động trước người con trai khác. Cô sợ ngày ấy sẽ đến.
Ở bên cạnh nhà cô, có anh chàng do vợ bị tai nạn mất sớm, chỉ có đứa con nhỏ. Nên có việc gì nặng anh đều chạy sang giúp cô. Lúc đầu là chỉ là hàng xóm. Lâu dần cô thấy mình yêu đời hơn, không còn ủ rũ như xưa. Mặc dù hàng ngày cô vẫn nói chuyện với chồng qua facetime. Hai người cứ coi nhau là bạn bè vì họ biết rằng không thể đến được với nhau. Ngày nào không thấy anh hàng xóm cô cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Mặc dù biết mình chưa làm điều gì có lỗi với chồng, nhưng lương tâm cô vẫn thấy cắn dứt.
Tuy nhiên, để vượt qua những cám dỗ xa chồng, cô tìm ra những điểm tốt của anh để cố gắng. Bởi mỗi lần anh được nghỉ phép sẽ tranh làm hết việc nhà với cô, rồi cho con tắm, đưa đón con đi học, đặc biệt là luôn tranh thủ để vợ chồng có không gian riêng tư gần nhau.
Anh cũng hay kể cho cô nghe những câu chuyện trong quân đội để chọc cười cho cô vui, để phần nào đó giúp cô hiểu được nỗi khổ của người lính, để có thể thông cảm và là hậu phương vững chắc cho anh. Rồi nhắc lại những lần vợ chồng phải tranh thủ. Làm vợ bộ đội thì cũng phải như bộ đội toàn bộ phải tranh thủ, kể cả chuyện ấy cũng tranh thủ. Nếu không tranh thủ thì làm sao có 2 đứa con ngoan như bây giờ. Cũng vì có chúng mà cuộc sống của cô cũng đỡ buồn tẻ và có động lực để chờ anh.
Thật vậy, trong mọi thời đại, các anh bộ đội vẫn là người hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi, phải xa bố mẹ, xa vợ con, không thể chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già, thậm chí có anh còn không thể kịp về khi bố mẹ sắp khuất núi. Rồi lúc vợ sinh đẻ, con ốm đau đều một tay vợ các anh chăm sóc và đó cũng là sự hy sinh to lớn của người vợ bộ đội.