Kinh tế có hạn nhưng Tết nào các gia đình cũng phải dành ra một khoản để mua quà Tết cho hai bên nội, ngoại. Tưởng đơn giản, nhưng chỉ vì vấn đề thiếu công bằng mà nhiều cặp vợ chồng phải tranh cãi nảy lửa, mất vui cả Tết.
Chia sẻ về những ký ức buồn của cái Tết Đinh Dậu, chị Nguyễn Thị Huyền – công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Không khí Tết năm ấy đang đến vui vẻ là thế, mà chỉ có chuyện biếu nội biếu ngoại không công bằng mà >vợ chồng tôi hậm hực “đuổi chó, đánh mèo”.
Chị Huyền kể, dịp Tết năm ngoái hai vợ chồng chị được thưởng Tết cũng khá, gần 20 triệu. Sau khi trừ các khoản cần mua sắm, chị tính biếu bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ mỗi bên 3 triệu. Gia đình chị vốn ở riêng, nội ngoại đều hỗ trợ như nhau nên chị muốn có sự công bằng. Hôm ấy 28 Tết, chị đi chợ mua 2 giỏ quà Tết rồi về chuẩn bị tiền đi biếu bố mẹ. Chị tính toán khá chu đáo, để vừa lòng đôi bên, chị sẽ mang quà biếu bố mẹ chồng còn chồng chị sẽ đi biếu bố mẹ vợ. Vì thế, chị đưa cho chồng 1 giỏ quà và 3 triệu rồi bảo: “Anh mang đồ về ngoại nhé, còn em cũng chuẩn bị 1 suất như thế về nội”.
Bỗng mặt anh sa sầm xuống, rồi anh kêu mệt, không muốn đi. Lúc đầu chị không hiểu lại tưởng anh ốm nên cứ săn sóc này nọ, sau rồi chị mới ngã người vì biết tính ích kỷ của chồng khi anh thốt ra những lời lẽ vô tình: “Em lấy chồng rồi thì phải biết lo lắng cho nhà chồng em trước chứ, nhà ngoại em rồi sẽ có cậu em trai em lo, Tết nhất em phải chu đáo với nhà chồng mới phải chứ nhà ngoại thì chỉ cần đi Tết là được rồi, sao phải biếu xén cầu kỳ”.
Rồi anh ta tuôn ra một tràng kể nể: “Anh hỏi em, thế em lấy chồng được bố mẹ chồng cho đất, cho nhà cho cửa, thế nhà ngoại em cho được cái gì ngoài cái xe wave cũ mà bây giờ em đòi đối đãi công bằng ?”. Từng lời anh nói lạnh lùng như băng giá làm chị hụt hẫng vô cùng. Kể từ đó, cứ đến Tết là chị Huyền thấy sợ, có lúc chị chẳng muốn động tay vào chuẩn bị gì mà để tùy anh quyết. Rồi lại âm thầm dấu diếm chồng dúi cho mẹ thêm ít tiền để tiêu tết.
Không giống như chị Huyền, chị Trần Thị Thanh ở Phủ Cừ (Hưng Yên) lại gặp phải tình huống dở khóc dở cười hơn. Chồng chị Thanh vốn rất yêu vợ và chu đáo, từ ngày cưới xong lúc nào cũng biết đối đãi phải đạo với nhà vợ, đi đâu xa hay về quê đều có quà hàng biếu xén bố mẹ đôi bên. Nhưng ngặt nỗi, chồng Thanh có 3 bà chị gái đành hanh ghê ghớm nổi tiếng ở làng. Chị Thanh nhớ như in cái Tết đầu tiên sau khi cưới.
Năm ấy, chồng Thanh đã săn đón ở vườn đào nhà bạn thân một cây đào thế khá đẹp để biếu bố vợ, còn nhà anh rộng hơn nên anh định sẽ mua cây quất để cho xum xuê. Hôm ấy 27 Tết, sau ngày làm việc cuối năm ở cơ quan, Thanh nhắn bạn cho xe chở đào đến nhà mình để anh mang đi biếu bố vợ, rồi sau đó anh sẽ mua quất về nhà mình. Chẳng ngờ khi cây đào vừa đến nhà thì gặp các chị chồng ở đấy.
Nóng gáy vì thấy thằng em trai chưa mua được cái gì cho nhà mình đã xoắn đáo chở đào sang biếu nhà vợ thì ba máu sáu cơn các chị nhảy xổ vào mắng sa sả thằng em: “Mày không có đầu óc để suy nghĩ à, nhà mình thì chửa có gì đã vợ, vợ, vợ, mày xách quần áo sang nhà nhà vợ mày mà ở, có lớn mà không có khôn, làm thế rồi con vợ mày được nước, rồi nó ngồi lên đầu lên cổ mày cho mà xem”. Ở gần bếp nên Thanh nghe rõ những lời các chị nói, và lời nào cũng khiến Thanh ấm ức, cay đắng.
Và điều khiến Thanh cay cú nhất là năm ấy, cây đào chồng Thanh định biếu nhà ngoại cứ nằm vạ vật ngoài sân từ 27 đến tận 29 Tết, sau khi mọi thứ trong nhà chồng Thanh đã đủ đầy thì chồng Thanh mới dám chở sang biếu bố mẹ vợ. Đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng bố mẹ Thanh nhận cây đào của con rể.
Thiết nghĩ, bố mẹ nào cũng có công sinh thành, dưỡng dục, xã hội ngày càng phát triển và văn mình, đâu cứ phải “nhất bên trọng, nhất bên khinh” để rồi Tết đến xuân về, trong mỗi mái ấm nhỏ lại có những câu chuyện buồn không đáng có.