Theo chuyên gia, sau khi có kết quả âm tính, F0 cần tiếp tục cách ly đủ 10 ngày, tuân thủ việc đeo khẩu trang và thực hiện 5K.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết, việc test nhanh cho kết quả âm tính nhưng PCR dương tính là điều bình thường. Nguyên nhân là do test nhanh thường kém nhạy hơn xét nghiệm PCR. Nếu còn quá ít virus thì test nhanh không phát hiện được nhưng PCR thì có.
Vì vậy, nhiều người đang trong quá trình hồi phục test nhanh đã âm tính nhưng khi làm xét nghiệm PCR thì vẫn dương tính hoặc người mới bệnh tải lượng virus chưa lên cao thì test nhanh một vạch nhưng PCR lại dương tính.
Theo BS Khanh, test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Khi đó, người bệnh vẫn cần tiếp tục theo dõi và cách ly đủ 10 ngày. Ví dụ, nếu ngày thứ 7 test nhanh âm tính thì không được chủ quan, vẫn phải đeo khẩu trang và theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.
Về việc có phải tất cả các F0 khỏi bệnh đều nên thực hiện PCR hay không, BS Khanh chia sẻ quan điểm như sau: Nếu F0 tự điều trị tại nhà thì không cần PCR vì hiện nay Bộ Y tế đã công nhận kết quả test nhanh rồi. F0 tự điều trị tại nhà cần tuân thủ đầy đủ thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Kết quả PCR chỉ cần thiết khi F0 điều trị tại bệnh viện.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, sau khi có kết quả dương tính, người bệnh nên cách ly, điều trị đủ 7 ngày. Nên test lại sau 7 ngày kể từ khi phát hiện dương tính để kết quả chính xác nhất.
Nếu kết quả test âm tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày. Trong thời gian cách ly sau âm tính, người bệnh vẫn cần tuân thủ việc đeo khẩu trang và thực hiện 5K. Ngoài ra, người bệnh cần thông báo kết quả test nhanh âm tính với trạm y tế địa phương và nhận xác nhận khỏi bệnh.
F0 khi cách ly, điều trị tại nhà cần phải thực hiện tốt các bước như: Khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K; Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; Không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân; Tự khử khuẩn nơi ở; Để riêng rác vào thùng có nắp đậy, loại bỏ rác thải riêng.
F0 cần chủ động theo dõi >sức khỏe, triệu chứng sinh tồn (mạch, huyết áp (nếu có máy đo), nhịp thở, nhiệt độ, SpO2); các triệu chứng (mệt mỏi, ớn lạnh, ho, mất mùi, đỏ mắt, tiêu chảy)…
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ban hành, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trường hợp sau 7 ngày, F0 vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin.
Theo một nghiên cứu của Mỹ, F0 đã khỏi bệnh là an toàn nhất vì họ không mắc bệnh lại nên cũng không lây cho ai, trong cơ thể họ đã có đủ kháng thể tự nhiên sau khi mắc bệnh nên họ an toàn ít nhất từ 08 - 11 tháng.
Vì vậy, chúng ta không nên có tư tưởng kỳ thị, xa lánh người từng là F0. Thái độ kỳ thị F0 khiến cho một số người tự test Covid-19 tại nhà, khi bị dương tính thì không dám khai báo, sợ mọi người biết nên họ tự mua thuốc về uống, việc làm này không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn là nguồn lây cho gia đình mình và cho xã hội.
Riêng người từng là F0, không cần lo lắng chuyện mình mang bệnh về lây cho những thành viên gia đình, người thân chưa bị bệnh. Tuy nhiên, vẫn phải chú ý việc rửa tay thường xuyên, nhất là khi trong nhà có người chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, vì khả năng bàn tay mình đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài, rồi vô tình mang những giọt bắn chứa virus dính trên tay về tận nhà.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không có lý do gì kỳ thị, xa lánh người từng là F0, họ an toàn và cần sự cảm thông của mọi người trong cơn biến động của dịch bệnh hiện nay.