Chuyên gia khuyến cáo, cần bổ sung các loại cháo dễ ăn, thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng để F0 giải cảm, giảm ho, sốt, mệt mỏi.
- Ngày 27/2, Việt Nam ghi nhận 86.990 ca mắc COVID-19, Hà Nội vượt mức 11.000 ca nhiễm
- Thức trắng đêm vận hành ECMO, cứu sống bệnh nhân nguy kịch
Thời tiết thay đổi nhiệt độ kèm mắc Covid-19 khiến nhiều người ho, sốt, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, nhiễm lạnh trầm trọng hơn, nhất là người già, trẻ em, người sức đề kháng kém.
Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số món ăn từ cháo tăng đề kháng, giải cảm hiệu quả.
Cháo hành, tía tô, trứng
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, cháo tía tô kết hợp với trứng gà ta, hành hoa là món ăn phổ biến. Lá tía tô có tính ấm, vị cay có khả năng chữa ho, cảm cúm, sốt, tăng đề kháng.
Chuẩn bị 100 g gạo; một quả trứng gà ta; một củ gừng tươi; 5-10 g hành khô; một nắm lá tía tô tươi; 3-5 nhánh hành hoa; hạt tiêu, gia vị... vừa đủ.
Lá tía tô và hành hoa rửa sạch rồi thái nhỏ, gừng thái sợ chỉ, hành khô dạp rồi băm nhỏ. Cho gạo vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Sau đó, bạn lấy lòng đỏ trứng gà cho vào bát cháo nóng rồi đánh lên. Cuối cùng là cho các gia vị lá tía tô, gừng, hành hoa vào nấu cùng, nếm gia vị vừa đủ.
Nên ăn cháo khi còn nóng để cơ thể toát mồ hôi. Sau đó dùng khăn mềm lau mồ hôi tránh để cho gió lạnh nhiễm vào người.
Cháo gà
Trong thịt gà chứa rất nhiều đạm, amino axit nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống viêm nhiễm. Khi bị cảm cúm nấu cháo gà để ăn sẽ giúp người bệnh không bị đau rát cổ họng, cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Chuẩn bị 100 g thịt gà nạc; một nắm gạo tẻ; hành ngò, gia vị vừa đủ. Lấy gạo vo sạch rồi nấu thành cháo chín nhừ. Sau đó mang thịt gà rửa sạch, băm nhỏ rồi xào sơ với các gia vị. Cuối cùng là cho thịt gà vào cháo, băm một tí hành ngò và hạt tiêu vào bát cháo để giúp giải cảm tốt hơn. Nên ăn cháo gà khi còn nóng.
Cháo bí đỏ
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, bí đỏ chứa rất nhiều vitamin, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng sức đề kháng, trị ho, tiêu đờm, là thực phẩm nên ăn mỗi khi bị cảm cúm.
Chuẩn bị 100 g bí đỏ; một nắm gạo tẻ. Gọt vỏ miếng bí đỏ, bỏ hạt rồi rửa sạch và cắt miếng mỏng cho vào nồi nấu. Sau đó vo nắm gạo tẻ cho vào nồi bí đang nấu. Nấu sôi và cho thêm nước đến khi cả gạo và bí chín nhừ. Nên dùng cháo khi còn nóng để tăng tác dụng giải cảm cho người bệnh.
Cháo đậu xanh
Trong đậu xanh có chứa nhiều protein và các axit amin tốt cho dạ dày. Ăn cháo đậu xanh để giúp kích hoạt các tế bào lympho sản xuất kháng thể gây hại cho cơ thể, giúp chống viêm, hạ sốt, tiêu độc.
Chuẩn bị 1/3 lon đậu xanh; một nắm gạo tẻ. Bạn nên ngâm đậu xanh vào nước trước khi nấu khoảng một giờ rồi cho vào nồi cùng gạo đã được vo sạch và nấu cho đến khi cả đậu xanh và gạo chín nhừ. Thêm gia vị vừa đủ là có thể dùng. Nên ăn khi cháo còn nóng, tích cực ăn cháo đậu xanh trong vòng 2-3 ngày sẽ làm giảm triệu chứng cảm cúm, hạ sốt.
Trường hợp kém ăn, mệt mỏi và có cảm giác nhanh no, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ví dụ, người trưởng thành thường ăn 3 bữa một ngày thì sau khỏi Covid nên chia nhỏ 4-6 bữa một ngày. Khi ăn tốt hơn thì giảm số bữa xuống và tăng lượng thức ăn trong mỗi lần, với mức năng lượng tăng thêm khoảng 400-500 kcal một ngày so với trước. Lượng protein cung cấp cho cơ thể cũng cần tăng khoảng 75-100 g một ngày.
Lương y Bùi Đắc Sáng nhấn mạnh, người bệnh cần tăng cường kết hợp hồi phục dinh dưỡng với luyện tập và phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia. Bệnh nhân cũng cần ngủ đủ giấc, ngủ nhiều hơn bình thường và cố gắng đi ngủ đúng giờ. Nếu có bệnh lý nền, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp hướng dẫn dinh dưỡng của bệnh lý nền với tình trạng hiện tại sao cho phù hợp nhất.