Nguyên nhân của bệnh tình này được cho là cô gái đã lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau trong kỳ kinh nguyệt.
Theo thông tin từ Báo Phụ Nữ Việt Nam cho hay, cô gái vốn có tiền sử bị >đau bụng kinh từ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, trước năm 20 tuổi, cơn đau chỉ ở mức trung bình, kéo dài trong 1 đến 2 ngày đầu hành kinh. Sau tuổi 20, đau bụng kinh thật sự trở thành “cơn ác mộng” đối với cô.
Không chỉ đau toàn thân dữ dội trong thời gian hành kinh mà còn là khoảng vài ngày trước cũng như sau khi có kinh nguyệt. Do đó, cô gái trẻ làm hết mọi cách có thể để chống lại cơn đau bụng kinh. Từ massage đến chườm nóng hay uống trà đều không có tác dụng, chỉ có thuốc giảm đau mới có thể giúp cô cảm thấy dễ chịu hơn.
Khoảng một năm trở lại đây, cô cảm thấy mình bắt đầu bị “nhờn thuốc”. Các loại thuốc giảm đau bụng kinh bán trên thị trường không còn có tác dụng với cô nữa. Những cơn đau bụng quằn quại, đầu đau như “búa bổ”, cảm giác buồn nôn và toàn thân mềm nhũn không có sức lực khiến cô không thể làm việc hay ăn uống tử tế.
Sau khi tìm hiểu trên mạng và biết có loại thuốc giảm đau bụng kinh rất mạnh, cô vội vàng nhờ một người bạn đang làm việc tại đây mua giúp và gửi về. Quả thật, loại thuốc mới này giúp cô đánh bại cơn đau bụng kinh nhưng lại khiến cô nhập viện cấp cứu vì suy thận.
Cụ thể, cô đã liên tục dùng loại thuốc giảm đau cực mạnh kia trong vòng 6 tháng. Cứ gần đến kỳ kinh là cô uống thuốc, thấy đau bụng là lại uống thuốc. Cứ như vậy, thận của cô bị tổn thương nghiêm trọng và phải tiến hành lọc máu mới giữ được tính mạng.
Những nguyên nhân của >suy thận cấp
Theo Zing News, có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp, >lạm dụng thuốc là một trong số đó:
- Mất máu, mất nước.
-Tổn thương ở thận do nhiễm trùng huyết.
- Bệnh lý cầu thận cấp.
- Thận bị tổn thương do sử dụng thuốc (kháng sinh, NSAID, lợi tiểu, thuốc cản quang có iod...) hoặc ngộ độc (mật cá trắm, thuốc nam...)
Chấn thương thận.
Các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi bể thận, sỏi niệu quản, u chèn ép, lao thận tiết niệu, giang mai, xơ hóa sau phúc mạc.
Dấu hiệu nhận biết suy thận cấp
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, suy thận cấp là tình trạng mất chức năng thận tạm thời, có thể do nguyên nhân trước thận (giảm thể tích tuần hoàn), tại thận (bệnh thận) hoặc sau thận (tắc nghẽn đường tiểu).
Tổn thương thận cấp tính có xu hướng phát triển nhanh chóng và gây ra một loạt các triệu chứng nghiêm trọng như: giảm nhanh đi tiểu, buồn nôn, mệt mỏi, yếu đuối, khó thở, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân, nhịp tim không đều, đau hoặc tức ngực, đôi khi có thể là co giật. AKI đôi khi sẽ không gây ra triệu chứng và chỉ được phát hiện bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm khi một người nhập viện hoặc được khám vì một tình trạng sức khỏe khác.
Triệu chứng của suy thận cấp thường chuyển biến qua 4 giai đoạn, cụ thể:
– Giai đoạn khởi đầu: Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến dài ngắn tùy theo từng nguyên nhân.
– Giai đoạn đái ít, vô niệu: Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể đái ít dần rồi vô niệu nhưng nguyên nhân vô niệu, có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp ngộ độc hoặc do các nguyên nhân cơ giới. Nước tiểu < 500ml/ 24giờ (thiểu niệu), < 100ml/24giờ (vô niệu). Rối loạn nước, điện giải và thăng bằng toan kiềm, phù tùy mức độ, phụ thuộc lượng nước đưa vào, có thể phù toàn thân, tràn dịch đa màng. Tăng huyết áp, tràn dịch màng tim gây ép tim cấp, tăng kali máu gây loạn nhịp tim và ngừng tim. Hội chứng tăng urê máu như: khó thở, buồn nôn, hôn mê, co giật, xuất huyết.
Triệu chứng của suy thận cấp thường rất rầm rộ ở tuần đầu
– Giai đoạn đái trở lại: Số lượng nước tiểu tăng nhanh dần có trường hợp đái 4 – 5 lít/ ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày. Urê, Creatinin máu giảm dần, Urê và Creatinin niệu tăng dần, suy thận chuyển sang giai đoạn hồi phục.
– Giai đoạn hồi phục: Khối lượng nước tiểu dần trở về bình thường. Các rối loạn về sinh hóa dần trở về bình thường.
Tuy nhiên khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận có khi hàng năm mới hồi phục hoàn toàn, mức lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn. Thường sang tháng thứ hai đã có thể bình thường, sự hồi phục nhanh, chậm tùy thuộc vào từng nguyên nhân, chế độ điều trị trung bình khoảng 4 tuần.
Lời cảnh tỉnh của chuyên gia
Cũng theo Phụ Nữ Việt Nam, Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa thận Hong Yongxiang cảnh báo chị em phụ nữ về thói quen xấu khi lạm dụng thuốc giảm đau trong kỳ kinh nguyệt.
Tiến sĩ Hong cho biết, bản thân việc tìm đến thuốc giảm đau bụng kinh là một giải pháp tốt nhưng cũng là một con dao 2 lưỡi. Nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc quá liều sẽ dẫn tới:
- Phụ thuộc thuốc, không thể thiếu thuốc trong các chu kỳ kinh cũng như không thể chịu đựng được cơn đau bụng kinh nếu như không có thuốc.
- Bị “nhờn thuốc” khiến phải tăng liều lượng liên tục mà vẫn không có tác dụng.
- Một số bộ phận trong cơ thể như gan, thận, tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bao gồm rối loạn hoặc suy giảm chức năng qua nhiều cấp độ khác nhau.
- Kích ứng dạ dày, gây đau dạ dày.
- Một số tác dụng phụ nhất thời khác như mệt mỏi, chân tay yếu, buồn nôn, tâm trạng tiêu cực…
Ông cho biết thêm, có 2 loại thuốc uống giảm đau: một là acetaminophen phổ biến trên thị trường, hai là thuốc chống viêm không steroid. Acetaminophen là thuốc rất an toàn, chỉ có tác dụng giảm đau, liều lượng không quá 8 viên/ngày. Còn thuốc giảm đau không steroid không chỉ giảm đau mà còn có tác dụng chống viêm.
Hầu hết các loại thuốc giảm đau không steroid đều do dược sĩ kê đơn, bạn có thể mua trực tiếp sau khi hỏi dược sĩ. Nhưng điều cần đặc biệt lưu ý là loại thuốc này tuy có tác dụng nhanh và mạnh nhưng lại có thể gây hại rất lớn cho thận, gan, tim… cũng như nhiều tác dụng phụ khác. Chỉ một viên thuốc giảm đau không steroid cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, ảnh hưởng chức năng thận nên cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia mới được sử dụng.
Tiến sĩ Hong muốn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chị em phụ nữ về việc lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh. Đồng thời, cũng cảnh báo chúng ta về việc lạm dụng thuốc giảm đau, tự ý sử dụng các loại thuốc không kê đơn mỗi khi mệt mỏi, ốm vặt, cảm lạnh hay sốt…