Dịp Tết truyền thống, các gia đình thường xuyên bổ sung vào thực đơn các loại hạt, cần cẩn trọng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
- Phát hiện dây rốn thắt nút tim thai nguy hiểm, sản phụ 26 tuổi được cấp cứu ‘mẹ tròn con vuông’
- Ngộ độc hóa chất dịp Tết Nguyên đán, bác sĩ chỉ ra lỗi sai nhiều phụ huynh mắc phải
Theo thông tin từ Báo Kinh tế đô thị mới đây, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trẻ từ 17 - 21 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì bị hóc hạt lạc tại nhà.
Bệnh nhi nhỏ nhất trong chùm ca bệnh vừa qua là bé N.M K. (17 tháng, nam, Bắc Ninh). Bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay sau đó, bé được đưa đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện và được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/1.
Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nội soi phế quản phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ, và lấy được hết dị vật ra ngoài (bình thường các ca gắp dị vật thường chỉ mất vài phút).
Tiếp đó, trường hợp bé gái N.N.M.C. (21 tháng, nữ, Nam Định) được mẹ cho ăn kẹo lạc khi đang đi xe máy, sau đó con bị sặc, ho, khó thở, tím tái. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Với ca này hạt lạc có kích thước nhỏ hơn, nên các bác sĩ tiến hành gắp dị vật nhanh chóng. Sau đó trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực nội khoa, tiếp tục thở máy trong 2 ngày. Đến ngày 11/1 trẻ sức khỏe ổn định và dần hồi phục.
Riêng trường hợp bệnh nhi N.P.M. (21 tháng, Bắc Giang), trẻ bị mắc dị vật hạt lạc hơn một tuần qua ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Vì vậy, hiện tại bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày.
Chị H.A. mẹ bé N.P.M. chia sẻ: “Hôm đó con có ăn 3, 4 hạt lạc liên tục, sau đó bị hóc, gia đình có móc họng lấy ra được 1 ít nên nghĩ là hết rồi. Mấy ngày sau bé vẫn chơi bình thường, nhưng ăn uống ít đi, ho nhiều, mỗi khi khóc là khó thở. Rồi ngày tiếp theo bé sốt cao 39, 40 độ không hạ, tôi có đưa con đi phòng khám rồi đi bệnh viện huyện, các bác sĩ cũng kê đơn thuốc rồi điều trị nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Thương cháu lắm, còn bé tí, chỉ vì chủ quan của bố mẹ mà giờ phải nằm viện thế này. Mong các bố mẹ khác hãy rút kinh nghiệm và để ý con mình hơn”.
Bác sĩ Phùng Đăng Việt khuyến cáo, Tết Nguyên đán, truyền thống của Tết là ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí,… phụ huynh cũng cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn, tránh xảy ra những trưởng hợp đáng tiếc. Cũng không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định trẻ bị hóc dị vật đường thở, thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu nên có thể cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.
Để đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, các phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Sai lầm khi sơ cứu trẻ hóc hạt
Theo GS Phạm Nhật An, Nguyên Phó giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ thông tin trên Báo Sức khỏe đời sống, trong những tình huống dị vật đường thở, thường sẽ gây thiếu oxy cho bé, điều này rất nguy hiểm. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ em hóc các loại xương còn có thể gây biến chứng cho trẻ.
Nếu không được sơ cứu kịp thời, dị vật có thể mắc kẹt trong đường thở của trẻ, khiến trẻ bị khó thở, ngạt thở và tử vong ngay sau đó. Do đó, nếu trong nhà có trẻ nhỏ, bố mẹ nên tự mình trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu trẻ khi bị hóc dị vật.
Để xử trí với những trường hợp nhẹ, cha mẹ cần bình tĩnh cho trẻ qua cơn nghẹn, nếu không nghiêm trọng, có thể cho bé uống nước. Tuy nhiên cha mẹ cần tránh những sai lầm khi sơ cứu cho trẻ khiến tình trạng của bé không giải quyết được mà còn nặng thêm:
- Cho tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Việc làm này cũng rất nguy hiểm cho bé, bởi dị vật có thể xuống sâu hơn, nếu dùng vật khác móc dị vật ra có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây xước niêm mạc họng.
- Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều người thường vuốt ngực cho trẻ, tuy nhiên đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.
Cách đúng sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Theo GS An, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu dị vật đường thở khiến bé khó thở, tím tái, ho sặc sụa, hốt hoảng, thở rít cần tống ngay dị vật ra ngoài bằng cách tạo sức ép lồng ngực ở khu vực phổi để đẩy dị vật , tuy nhiên tiến hành cách này cần theo độ tuổi và cha mẹ cần thực hiện đúng cách. Nếu bé bị dị vật có suy hô hấp nguy hiểm cần hà hơi thổi ngạt, bóp bóng hỗ trợ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Với trẻ dưới 2 tuổi: Thực hiện phương pháp vỗ lưng - ấn ngực
Dốc ngược đầu trẻ xuống, một tay giữ chặt người trẻ, tay còn lại vỗ mạnh 5- 7 cái vào lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ để tạo áp lực trong lồng ngực và đẩy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật vẫn chưa bị đẩy ra, bố mẹ tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa, dùng hai ngón tay trỏ ấn thật mạnh và nhanh vào vùng thượng vị (vị trí trên rốn, dưới xương ức) của trẻ.
Lặp lại động tác này nhiều lần. Tuy nhiên, nếu cả hai cách đều không hiệu quả, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
- Với trẻ trên 2 tuổi: thực hiện biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich
+ Nếu trẻ còn tỉnh táo
Cho trẻ đứng thẳng người. Bố mẹ đứng sau lưng trẻ ở tư thế chân trước chân sau, hai chân lồng giữa hai chân trẻ (hoặc quỳ gối xuống để cao ngang tầm trẻ), choàng 2 tay ra trước ngang thắt lưng trẻ. Một tay nắm chặt, tay còn lại đặt lên tay kia để tạo lực. Đặt hai tay lên vùng thượng vị của trẻ rồi ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra thì tiếp tục thực hiện động tác này 6 - 10 lần.
+ Nếu trẻ hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Khi này bố mẹ quỳ gối, hai chân để sát vào hai bên đùi trẻ. Nắm chặt hai bàn tay rồi đột ngột ấn mạnh vào vùng dưới xương ức của trẻ. Ấn theo chiều từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Lưu ý, trường hợp trẻ hôn mê và không thở được, bố mẹ cần thực hiện hà hơi thổi ngạt rồi mới tiến hành sơ cứu. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, cần tiến hành song song hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn mạnh vào dưới xương ức trẻ cho đến khi dị vật văng ra ngoài.
Sau khi thực hiện các bước sơ cứu cho trẻ, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bố mẹ có thể áp dụng cách sơ cứu phù hợp để đảm bảo lấy dị vật ra khỏi người trẻ càng nhanh càng tốt.