Bác sĩ Lê Thị Kim Dung kể một nữ sinh vừa khóc vừa nói rằng bạn ấy tránh thai bằng cách dùng vòi nước thụt rửa thật sạch sau khi quan hệ tình dục, nhưng không hiểu sao vẫn có thai.

12:48 13/05/2019

Nhiều năm trong nghề, bác sĩ Lê Thị Kim Dung - nguyên Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) - kể bà vẫn nhớ trường hợp nữ sinh lớp 9 đang học một trường THCS ở Hà Nội, ba lần đến phá thai.

Hồn nhiên "yêu", hồn nhiên "không biết"

Lần đầu, nữ sinh đến cùng bạn trai. Cả hai đều mặc đồng phục tuổi học trò, mặt búng ra sữa, dắt nhau vào khoa Sản nhờ “giải quyết” cái thai 3 tháng. Chỉ ít lâu sau, cô bé này tiếp tục quay lại cùng mẹ khi biết mình mang bầu 2 tháng.

“Đến lần thứ ba, bạn ấy đến một mình, nhìn vừa giận vừa thương. Tôi hỏi có biết gì về >sức khỏe sinh sản và cách phòng >tránh thai không mà để như vậy, con bé lắc đầu. Hóa ra, các bạn ấy cứ hồn nhiên 'yêu' và hồn nhiên không biết dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào”, bác sĩ Dung kể.

Một nữ sinh khác cũng hốt hoảng tìm tới bác sĩ Dung nhờ giúp đỡ. Cô khóc lóc kể rằng mình đã tránh thai bằng cách... dùng vòi nước thụt rửa thật sạch sau mỗi lần quan hệ tình dục, nhưng không hiểu sao vẫn "dính".

Trường hợp nữa là cô gái phá thai 2 lần, trong khi vẫn còn màng trinh. Người này chỉ dám quan hệ bên ngoài với bạn trai, nhưng tinh trùng vẫn vào trong và thụ thai.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình - cho hay bà từng chứng kiến không ít ca phá thai cho những đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bác sĩ từng gặp em bé chưa tròn 13 tuổi, được mẹ đưa đến phòng khám tư để "giải quyết chui". Tuy nhiên, vì bé quá nhỏ, thai lại lớn, phòng khám không dám nhận, hai mẹ con lại đưa nhau vào bệnh viện phụ sản.

“Tôi còn nhớ rất rõ cháu bé khác chưa đầy 16 tuổi, có thai ngoài ý muốn. Vì sợ gia đình, bạn bè biết chuyện, em tự ý mua thuốc về 'giải quyết'. Tuy nhiên, do không có kiến thức, không được bác sĩ hướng dẫn, em đã bị băng huyết. Rất may, nhà cô bé ở gần bệnh viện, nên mới kịp thời giữ lại được tính mạng”, PGS Đức nói.

Quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên có thể dẫn tới nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa: Churchmilitant.

Phải dạy về tình dục cho trẻ trước tuổi dậy thì

Nghiên cứu của PGS Đức và các đồng nghiệp từng chỉ ra rằng tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới.

Hàng năm, khoảng 300.000 nữ giới từ 12-19 tuổi phá thai, 20%-30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60%-70% là sinh viên. Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi 12 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng.

“1/3 trong 26,7 triệu người trong độ tuổi 10-24 gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin hay giáo dục và dịch vụ về tình dục, sức khỏe sinh sản ở gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội”, bà Đức cho hay.

Các vấn đề phát sinh từ hành vi tình dục không an toàn, thiếu hiểu biết về tình dục dẫn tới tình trạng bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn, các hệ lụy khác trong cuộc sống gia đình, xã hội.

Do đó, cung cấp cho giới trẻ kiến thức về sinh sản và sức khỏe tình dục là nội dung quan trọng của giáo dục giới tính, bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục con người, các biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS.

“Cung cấp cho giới trẻ có kiến thức về tuổi dậy thì, tình dục và sinh sản để các bạn có kỹ năng sống, hiểu biết, tự điều chỉnh hành vi tình dục của chính mình một cách đúng đắn và lành mạnh, tránh phạm sai lầm không đáng có”, PGS Hoài Đức khuyến cáo.

Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng. Giáo dục tình dục trong trường học cũng cần thiết, khuyến khích học sinh tích cực tiếp cận kiến thức về sức khỏe tình dục, làm tăng cơ hội tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn hơn.

“Trẻ luôn quan tâm kiến thức về tình dục từ thông tin khác nhau, có thể là bạn bè hoặc >phim ảnh khiêu dâm, Internet; có thể là những nguồn tin không đúng, làm ảnh hưởng hiểu biết, dẫn đến hành vi không đúng. Do đó, một chương trình giáo dục tình dục có hiệu quả là được thực hiện trước khi trẻ hoạt động tình dục ở tuổi dậy thì. Điều này tạo ra cơ hội để các em biết phân biệt thông tin sai lệch về tình dục, từ đó tự bảo vệ mình”, GS Đức nói.

Theo Song Anh/Zing