Polyp trực tràng là gì không phải ai cũng biết nhưng số người mắc bệnh vẫn ngày càng tăng. Cần hiểu biết đúng về bệnh để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Lạ Đặng 11:21 16/07/2020

Để biết polyp trực tràng là gì, trước hết cần biết polyp là một dạng tổn thương, mang hình dáng giống một khối u, thường xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trong cơ thể. Polyp có thể có cuống hoặc không có cuống. Phần lớn polyp lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, một số polyp có khả năng chuyển biến thành ác tính, ung thư.

Polyp trực tràng là những tổn thương mang hình dáng khối u lồi trong trực tràng

Theo đó, polyp trực tràng là những tổn thương mang hình dáng khối u lồi trong trực tràng. Một người mắc bệnh polyp trực tràng có thể xuất hiện hàng chục, hàng trăm, thậm chí nhiều hơn các polyp to nhỏ khác nhau trong trực tràng. Nhưng điều đáng buồn nhất là polyp trực tràng có tỷ lệ ung thư cao nhất.

Do đó, việc tìm hiểu polyp trực tràng là bệnh gì, theo dõi, phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất cần thiết và quan trọng, sẽ giảm đáng kể nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

1. Những nguyên nhân gây ra bệnh polyp trực tràng

Tổng hợp kết quả của nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu cho thấy nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp trực tràng gồm có:

- Yếu tố >dinh dưỡng, môi trường, lối sống: Chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều chất béo, ít chất xơ, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thừa cân, béo phì, không vận động… Người sống ở các nước công nghiệp hóa có tỉ lệ mắc bệnh này khá cao.

- Yếu tố di truyền và gen đột biến: Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh polyp trực tràng thì các thành viên cần theo dõi >sức khỏe sát sao. Không hiếm trường hợp polyp gia đình và di truyền qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, một số gen đột biến cũng làm phát triển tế bào không bình thường ở trực tràng, tạo thành polyp trực tràng.

Yếu tố tuổi tác: Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh polyp trực tràng càng lớn, thường là sau độ tuổi 50. Nên tầm soát ung thư thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm khi có polyp trực tràng.

Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh polyp trực tràng càng lớn, thường là sau độ tuổi 50

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh polyp trực tràng

Nhiều người lo lắng polyp trực tràng có nguy hiểm không vì giai đoạn ban đầu, các triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh lý khác.

Dưới đây là một số biểu hiện, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh polyp trực tràng:

- Đi ngoài ra phân lỏng: Khi polyp trực tràng gần hậu môn phát triển to hoặc lở loét có thể tác động đến đường ruột, gây ra tình trạng đi ngoài thường xuyên, liên tục, đi phân lỏng như tiêu chảy, rối loạn hệ tiêu hóa.

- Đau vùng bụng: Đây là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh polyp trực tràng dễ khiến nhầm lẫn hoặc chủ quan. Thực chất, do polyp quá lớn gây tắc ruột và hình thành những cơn đau do tắc ruột.

Đại tiện có máu: Khi đi đại tiện mà phát hiện phân có máu thì nên đi khám ngay vì nguy cơ cao là đã mắc bệnh polyp trực tràng. Dù là thấy máu tươi thành vệt trên khuôn phân; máu màu nâu, đen hoặc máu kèm theo phân mềm đều cần chú ý và đến bệnh viện kiểm tra.

Dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh polyp trực tràng

Lưu ý, có không ít trường hợp không có biểu hiện gì nhưng vẫn mắc bệnh polyp trực tràng nên cần thăm khám thường xuyên để phát hiện và điều trị.

3. Phân biệt các dạng polyp trực tràng phổ biến

Có nhiều dạng polyp trực trạng nhưng phổ biến nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Cụ thể:

- Polyp tăng sản

Đây được xem là polyp trực tràng lành tính vì loại polyp này có kích thước nhỏ, thường nằm ở đoạn cuối đại tràng (trực tràng và đại tràng Sigma). Polyp tăng sản rất ít khi trở thành ác tính. Tuy nhiên, phần lớn polyp tăng sản cũng được cắt bỏ vì rất khó để phân biệt với polyp tuyến nếu chỉ dựa vào nội soi.

- Polyp tuyến

Đa số bệnh nhân mắc bệnh polyp trực tràng nằm ở dạng polyp tuyến. Cần sinh thiết để phân loại kích thước, hình dáng bên ngoài và đặc điểm mô học của các polyp tuyến. Nếu polyp tuyến càng lớn thì nguy cơ biến chứng ác tính cao nên phải nhanh chóng sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn và gửi đi làm giải phẫu bệnh học.

Đa số bệnh nhân mắc bệnh polyp trực tràng nằm ở dạng polyp tuyến

4. Phương pháp điều trị và cách phòng ngừa

Khi đã hiểu rõ polyp trực tràng là gì cũng như tỷ lệ biến chuyển thành ung thư ác tính cao thì không nên chủ quan. Nếu phát hiện một trong các biểu hiện nghi ngờ đang mắc bệnh polyp trực tràng thì phải đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh ở nước ta đều có thể điều trị polyp trực tràng bằng phương pháp nội soi ống mềm đại trực tràng. Thông qua phương pháp này, tình trạng bệnh sẽ được chẩn đoán và điều trị sớm, ngăn chặn ung thư hóa, nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu trường hợp người bệnh có nhiều polyp hoặc polyp gây biến chứng, không thể áp dụng phương pháp mổ nội soi, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Với trường hợp người bệnh có nhiều polyp hoặc polyp gây biến chứng, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

Sau khi được loại bỏ polyp trực tràng, người bệnh nên tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, không lao động nặng, hạn chế leo cầu thang hoặc vận động nhiều. Nên ăn thức ăn mềm, tốt nhất nên ăn cháo hoặc thức ăn xay nhỏ trong 3 ngày đầu, sau đó chia nhỏ các bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ngày để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Chú ý ăn chậm, ăn nhiều thực phẩm tươi ngon, chất lượng, giàu dinh dưỡng và chất xơ, nhất là các món ngũ cốc nguyên chất, rau có màu xanh đậm, các loại đậu, táo, chuối, cam, nho… tốt cho đường ruột.

Cắt polyp trực tràng

Vậy cắt polyp trực tràng kiêng ăn gì? Đó chính là các thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu như đồ chiên, nướng hoặc đồ cay nóng, hạn chế nạp nhiều chất béo động vật cũng như các thức uống rượu bia, trà, cà phê, nước ngọt có gas, hút thuốc lá…

Tốt nhất không để bị táo bón, hạn chế rặn, dùng nhiều sức khi đi vệ sinh.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh polyp trực tràng, trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cần chú ý những điều sau:

- Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng. Ăn những món ăn dễ tiêu, tránh xa món ăn nhiều gia vị kích thích dạ dày và các món có khả năng gây ung thư cao.

Ăn những món ăn dễ tiêu, tránh xa món ăn nhiều gia vị kích thích dạ dày và các món có khả năng gây ung thư cao

- Uống đủ nước. Nói không với rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích có hại cho sức khỏe.

- Luôn giữ tinh thần thoải mái, yêu đời. Nếu có căng thẳng, áp lực thì cần tìm cách giải tỏa, tránh để cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy yếu, gia tăng bệnh tật.

- Sinh hoạt, làm việc khoa học, đúng giờ giấc. Không thức khuya, mất ngủ dễ khiến rối loạn chuyển hoá, tăng nguy cơ phát triển các khối u đường ruột.

Tăng cường vận động, duy trì tập thể dục thể thao mỗi ngày, tránh để cơ thể béo phì, thừa cân.

Thường xuyên đến các cơ sở y tế thăm khám, tầm soát ung thư, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tăng cường vận động, duy trì tập thể dục thể thao mỗi ngày, tránh để cơ thể béo phì, thừa cân

Phòng còn hơn chống nên cần thay đổi lối sống ngay từ hôm nay để nâng cao sức khỏe. Không thiếu cách phòng ngừa bệnh tật và cần sự kiên trì ở bản thân mỗi người.

Bệnh polyp trực tràng thường diễn biến âm thầm trong giai đoạn ban đầu nên khó phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ polyp trực tràng là gì và cách kiểm tra, phương pháp điều trị thì bệnh sẽ được kiểm soát, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Hãy luôn chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người thân trong gia đình.

Lạ Đặng | Theo Phụ nữ sức khỏe