Cô Li, một công nhân làm việc tại Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc gần đây quá mệt mỏi, tinh thần kiệt quê, sức khỏe suy yếu nên đã đến bệnh viện khám. Hóa ra nguyên nhân là do việc thức dậy mỗi sáng.

05:19 16/10/2019

Thời gian gần đây, cô Li luôn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi về tinh thần và chán nản mọi thứ. Cô nói rằng rất khó chịu khi ngày nào cũng phải nghe chuông báo thức mỗi sáng để dậy đi làm, nó khiến cô mất ngủ và ngủ không yên giấc. 

Tình trạng này diễn ra ngày qua ngày khiến cô cảm thấy mệt mỏi, gần như "phát điên" khiến cuộc sống bình thường cũng gặp khó khăn nghiêm trọng. Không thể chịu được nữa, cô Li đã tới Bệnh viện Nhân dân thứ hai khám.

Cô Li vô cùng khó chịu với việc bị đánh thức dậy đi làm mỗi ngày.

Các bác sĩ nói rằng thói quen đặt chuông báo thức có thể xáo trộn giấc ngủ bình thường. Giấc ngủ bình thường có thể bổ sung năng lượng cho cơ thể, thúc đẩy loại bỏ chất thải trao đổi chất trong não, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, giúp phục hồi trí nhớ, đồng hồ báo thức mạnh mẽ và thức tỉnh nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến cơ thể.

Việc ép buộc cơ thể phải dậy trong thời gian dài có thể dẫn tới suy giảm nhận thức, tái phát các bệnh như huyết áp và tăng nguy cơ tử vong.

Zeng Xianxiang, phó giám đốc Khoa Rối loạn giấc ngủ và Tâm thần, Bệnh viện Nhân dân thứ hai khuyên: "Nếu bạn muốn thức dậy, hãy thử sử dụng giọng nói nhẹ và nhạc chuông nhẹ nhàng hơn. Âm nhạc dịu nhẹ sẽ giúp bạn từ từ thức giấc thay vì sử dụng một âm thanh lớn."

Bác sĩ Zeng Xianxiang nói rằng việc bị đánh thức một cách bị động sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ. 

Đặt chuông báo thức để dậy có hại thế nào?

Trong một nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia công nghiệp Nhật Bản, những người bị tác động để tỉnh táo đột ngột có mức huyết áp và nhịp tim cao hơn so với những người thức dậy tự nhiên.

Giáo sư Matthew Walker - nhà thần kinh học, giám đốc Trung tâm khoa học về giấc ngủ tại Trường đại học Califonia (Mỹ) - đã chứng minh thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh.

Chuông báo thức reo với âm lượng to lúc đang ngủ sâu, cơ thể sẽ xuất hiện hàng loạt cảm giác tiêu cực như tim đập nhanh, giật mình, hốt hoảng.  Đồng thời, chuỗi hành động "reo - hẹn" cứ ít phút được lặp lại đồng nghĩa với cơ thể sẽ rơi vào trạng thái "đánh thức - ngủ" liên tục. Trạng thái này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tổn thương chức năng sinh học của bộ não.

Ngoài những ảnh hưởng trên, nhiều người sợ chuông báo thức từ điện thoại không đủ lớn để thức giấc nên đã đặt điện thoại sát bên người trong suốt một đêm dài. 

Các nghiên cứu cũng cho thấy sóng bức xạ từ điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rụng tóc... Về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ.

Mẹo thức dậy bằng đồng hồ sinh học cơ thể

Để không gây hại cho >sức khỏe vì tiếng chuông báo thức, chúng ta cần biết những mẹo thức dậy bằng đồng hồ sinh học của cơ thể. 

- Ngủ sớm và ngủ đủ. Nên ngủ sớm trước 23h và ngủ đủ giấc 7-9 tiếng, vì trạng thái muốn ngủ sau khi báo thức reo chứng tỏ ngủ không đủ giấc.

- Cần đặt chuông báo thức vào một giờ cố định với âm lượng vừa đủ nghe, không nên đặt chuông quá to gây giật mình. Nên đặt đồng hồ càng xa càng tốt, miễn bạn nghe được tiếng chuông. Như vậy, bạn sẽ phải ra khỏi giường để tắt chuông báo thức nên rất khó ngủ trở lại.

- Hãy nghĩ điều đặc biệt đang đợi bạn hay bất cứ một điều nào đó khiến bạn hào hứng vào ngày mai. Khi có mục tiêu rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng thức giấc hơn so với tối đi ngủ nhưng sáng mai bạn không biết làm gì.

- Nằm ngủ vị trí có cửa sổ và có thể hứng ánh sáng mặt trời. Ánh sáng tự nhiên cũng là một cách giúp não bộ nhận biết đến giờ phải thức dậy.

Thực hiện tốt những bước trên, dần dần nhịp sinh học cơ thể đã có "lối mòn" và bạn có thể bắt đầu một ngày mới mà không cần tiếng chuông báo thức inh ỏi.

Theo Minh Dương/Khám Phá