Nếu bạn hay người thân của mình thường xuyên ngáy, nghẹt thở, thở hổn hển hoặc ngừng thở trong khi ngủ, bác sĩ lại không tìm ra nguyên nhân bất kỳ căn bệnh nào gây nguy hiểm, rất có thể bạn đã mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn do lưỡi béo.
Lưỡi béo là một khái niệm mới mẻ, kỳ lạ với nhiều người. Theo Tiến sĩ Richard Schwab, tác giả chính của một nghiên cứu mới được xuất bản trên Tạp chí Y học Mỹ, lưỡi béo là lưỡi có kích thước to, tỷ lệ mỡ dưới lưỡi nhiều. Nghiên cứu của ông cũng chỉ ra rằng, hội chứng này có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
Rất nhiều người sau khi biết về hội chứng này đã thắc mắc: "Nếu giảm chất béo trong lưỡi, liệu nó có cải thiện được chứng ngưng thở trong khi ngủ không?" Tiến sĩ Schwab đã trả lời rằng "Có".
Thật may mắn cho chúng ta, một nghiên cứu mới cũng cho thấy việc giảm bớt mỡ toàn thân cũng sẽ khiến lưỡi bớt béo.
"Nghiên cứu này cho thấy giảm mỡ thừa nói chung có thể làm giảm kích thước lưỡi", Tiến sĩ Raj Dasgupta, chuyên gia về giấc ngủ tại trung tâm Keck Medicine thuộc Đại học Nam California, người không tham gia nghiên cứu cho biết.
Trong bài báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh MRI để đo lường hiệu quả đường hô hấp trên ở 67 bệnh nhân béo phì đã giảm 10% trọng lượng cơ thể. Những hình ảnh cho thấy nếu mỡ dưới lưỡi được giảm sẽ khiến cho chỉ số ngưng thở trong khi ngủ cải thiện lên tới 31%.
Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến >sức khỏe con người
Ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn được gọi là OSA rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nó có thể làm tăng huyết áp, gây ra trầm cảm, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
Hiện nay, phương pháp điều trị cho OSA là thở áp lực dương liên tục (CPAP). Bệnh nhân sẽ đeo một thiết bị thở vào mũi và miệng, kết nối với một máy thổi khí, giúp cho đường thở không bị đứt quãng. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều tác dụng phụ khó chịu như nghẹt mũi, chảy nước mũi, khô miệng, chảy máu cam... Đặc biệt, tiếng ồn ào của máy CPAP sẽ khiến người ngủ cùng giường cảm thấy bực mình.
Điều đáng nói nhất chính là béo phì làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở tắc nghẽn. Tuy nhiên, cũng có một số ít người mắc tình trạng này nhưng họ không bị thừa cân. Tiến sĩ Dasgupta nói: "Những thứ có thể chặn hoặc làm tắc đường thở trên có thể là amidan, vòm miệng, lưỡi gà hay vòm miệng và lưỡi quá mềm".
Làm thế nào để tránh tình trạng ngưng thở trong khi ngủ?
Ngoài lưỡi, nghiên cứu mới cho thấy giảm cân cũng làm giảm kích thước cơ hàm kiểm soát việc nhai và các cơ 2 bên đường thở, nhưng tiếc thay không có sự giảm đáng kể nào bằng việc giảm lượng mỡ tập trung dưới lưỡi.
Phát hiện này có thể mở ra con đường điều trị mới tập trung duy nhất vào việc giảm kích thước lưỡi. Tiến sĩ Schwab nói rằng mình cần nhiều nghiên cứu hơn để biết được chính xác chế độ ăn kiêng phù hợp nhất giúp đẩy nhanh quá trình giảm mỡ dưới lưỡi.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi chơi Didgeridoo (ống thổi, nhạc cụ truyền thống của Úc) cũng có tác dụng điều trị thay thế cho những người không thể quản lý được máy thở CPAP.