Bệnh viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây viêm nhiễm và lan tới bất kỳ nơi nào trong hệ tiết niệu.
Viêm bàng quang (hay còn gọi là nhiễm trùng bàng quang) là một loại bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Người mắc phải căn bệnh này nếu không điều trị sớm thì nguy cơ cao có thể gặp một số biến chứng như viêm đài bể thận và các bệnh về bàng quang khác. Do đó, bạn cần nắm rõ những dấu hiệu ban đầu của bệnh >viêm bàng quang để tìm cách chữa trị kịp thời.
Có hiện tượng khó tiểu
Tình trạng khó tiểu đi kèm với cảm giác đau buốt rát khi đi tiểu là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm bàng quang. Vậy nên, bạn cần chú ý ngay khi gặp phải hiện tượng này để chủ động đi khám từ sớm.
Đi tiểu liên tục và không thể nhịn được
Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày và thức dậy nhiều vào ban đêm để đi tiểu thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang. Ngoài ra, bạn còn cảm thấy rất khó chịu và không thể nhịn tiểu được ngay lúc đó thì đừng chủ quan bỏ qua mà nên đi khám ngay.
Đau bụng dưới và lưng
Viêm bàng quang có thể gây sưng đau ở phần bụng dưới, những cơn đau thường xuất hiện mỗi khi bạn đi tiểu. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài lâu ngày, thậm chí còn lây lan xuống vùng thận khiến bạn gặp phải cảm giác đau vùng lưng và hông thì không nên xem thường. Một số triệu chứng khác mà bạn cũng có thể gặp phải là sốt cao, nôn mửa, khó chịu vùng bụng...
Đi tiểu ra máu
Tiểu ra máu chính là một triệu chứng điển hình của bệnh viêm bàng quang. Khi gặp phải hiện tượng này, có thể là do các tế bào hồng cầu rỉ ra từ thận hay những nơi khác trên đường tiết niệu. Dù vậy, vẫn có một số trường hợp hồng cầu xuất hiện với số lượng rất ít và chỉ phát hiện được thông qua việc xét nghiệm dưới kính hiển vi.
Nước tiểu có mùi hôi và màu đục
Bệnh viêm bàng quang sẽ khiến nước tiểu của bạn có mùi nặng và hôi. Những người khỏe mạnh thì nước tiểu thường có màu vàng nhạt, trong. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh viêm bàng quang hay viêm ở các bộ phận khác trong đường tiết niệu thì nước tiểu sẽ đổi màu đục. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do mủ chứa vi khuẩn và tế bào bạch cầu hòa lẫn trong nước tiểu.