Dạy con quản lý và kiểm soát cảm xúc của mình thế nào khi chính cha mẹ chúng cũng không biết quản lý và kiểm soát cảm xúc của bản thân họ?
Một đứa trẻ thành công trong tương lai chỉ 10% là nhờ trí thông minh của nó. 90% còn lại là nhiều yếu tố khác. Nhưng nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến 10% ở trí thông minh bằng việc nhồi nhét con học hành mà bỏ qua 90% còn lại. Đặc biệt là một kỹ năng: Dạy con Quản lý và Kiểm soát cảm xúc.
Nên quả thực có nhiều đứa trẻ dễ bùng nổ, mất> kiểm soát cảm xúc hoặc rơi vào các trạng thái cảm xúc tiêu cực như thất vọng/ sợ hãi/ lo lắng/ hồi hộp/ bực tức/ chán ghét…
Dạy con quản lý và kiểm soát cảm xúc của mình thế nào khi chính cha mẹ chúng cũng không biết quản lý và kiểm soát cảm xúc của bản thân họ? Nhiều cha mẹ tuỳ tiện thể hiện những cảm xúc tiêu cực trước mặt con [hàng ngày] và tự cho rằng mình có quyền đó vì mình là bố chúng, mẹ chúng. Rồi bao biện và đổ lỗi cho áp lực công việc, mưu sinh, cày cuốc lo cho con ăn học.
Cuối cùng, chúng ta tạo ra những sản phẩm sao y bản chính những cảm xúc tiêu cực từ mình. Nên nhớ, cảm xúc có khả năng lây lan rất nhanh. Thậm chí nó còn dã man hơn Covid khi nó không chỉ lây lan qua “giọt bắn” như khi ai đó mắng mỏ bạn, xúc phạm bạn mà còn lây lan qua không khí như một người tỏ ra sợ hãi có thể khiến tất cả những người trong phòng rối loạn sợ hãi theo. Và ở thời đại mạng xã hội như hiện nay thì dù không tiếp xúc trực tiếp, nó vẫn có thể lây lan trên môi trường mạng như khi newsfeed của bạn có quá nhiều năng lượng tiêu cực.
Dạy con quản lý và kiểm soát cảm xúc ngoài việc thay đổi chính bản thân (nhiều cha mẹ không thích điều này và luôn cho rằng đó chỉ là lý thuyết vì bản chất họ không muốn thay đổi bản thân), thì cũng cần bạn can thiệp từ bé.
Không phải khống chế hay áp đặt con, cấm đoán con khi con có những cảm xúc tiêu cực. Mà là hướng con đến những cảm xúc tích cực nhiều hơn, giúp con đối diện với cảm xúc của mình, hiểu cảm xúc ấy bắt đầu từ đâu và có cách nào để chúng ta sửa chữa cảm xúc đó. Con tức giận ném đồ thì phải giúp con hiểu về cảm xúc tức giận chứ không phải hành vi ném đồ.
Hãy tập luyện với con quy tắc 60 giây không làm gì cả khi bị cảm xúc tiêu cực tấn công. Hãy thả lỏng bản thân trong 60 giây để cảm xúc tiêu cực dịu đi trước đã. Bởi trong 60 giây đó, bạn có thể đâm chết một ai đó hoặc buông ra những lời tổn thương nhau đấy.
Còn rất nhiều cách khác để “hạ hoả trong cơn bực tức”/ hành xử trong lúc buồn đau/ quyết định trong khi bấn loạn… mà chúng ta có thể tìm thấy nó rất nhiều trên mạng chỉ bằng công cụ Google.