Khi thấy trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, cha mẹ cần lưu ý bởi có thể trẻ đã mắc một số bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa. Cùng tìm hiểu trong bài viết.
Trẻ nhỏ thường hay mắc phải những chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa,… khiến trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, gây mất nước và ảnh hưởng nhiều đến >sức khỏe của trẻ. Vậy những nguyên nhân nào gây nên những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa của trẻ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 1 tuổi thường có tần suất đi ngoài nhiều lần trong ngày, trung bình từ 5 - 10 lần/ngày. Phân của trẻ nhỏ trong giai đoạn này thường sệt, lỏng, có màu vàng, xanh hoặc nâu. So với bé uống sữa pha theo công thức (mẹ khan hiếm sữa) thì những bé được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ đi ngoài nhiều lần hơn. Vì vậy, việc trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày là hoàn toàn tự nhiên trong giai đoạn này.
Trẻ đi ngoài sẽ giảm dần khi bắt đầu một tuổi trở lên, từ 2 - 3 lần/ngày. Ở giai đoạn này, nếu xảy ra hiện tượng trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày thì cha mẹ nên hết mực quan tâm và theo dõi.
Trẻ đi ngoài nhiều lần là hiện tượng tự nhiên, nhất là đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, khi thấy trẻ đi ngoài nhiều lần kèm với những dấu hiệu như: quấy khóc, sốt, nôn, đau bụng… thì cha mẹ cần phải hết sức lưu ý. Đặc biệt với trẻ một tuổi trở lên thì việc trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày là điều hết sức bất thường.
Trong cả 2 giai đoạn, cha mẹ hoàn toàn có thể theo dõi phân của trẻ để đánh giá tình trạng. Khi phân trẻ có những tình trạng như: lỏng nhiều nước, lợn cợn thức ăn, có mùi tanh, phân có lẫn máu, phân màu xanh lá,… thì nguy cơ rất cao là trẻ đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Nguyên nhân rất nhiều như trẻ bị dị ứng sữa hoặc thức ăn, nhiễm khuẩn, dùng nhiều thuốc kháng sinh,… Dưới đây là một số trường hợp cụ thể:
Tiêu chảy là bệnh do hệ tiêu hóa của trẻ bị virus Rota, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công, khiến trẻ đi ngoài nhiều lần, gây mất nước, kiệt sức đồng thời ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ. Nếu bị tiêu chảy cấp, trẻ cần được điều trị kịp thời bởi nó rất nguy hiểm đến tính mạng.
Khi gặp hiện tượng trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm dấu hiệu: phân lỏng toàn nước, thậm chí phân có thể màu xanh, phân có nhày, có máu, kèm theo đó trẻ khó chịu, quấy khóc, bú kém, có thể sốt, nôn,… trẻ đã bị tiêu chảy.
Hăm tã khiến bé bứt rứt khó chịu và có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé đi ngoài nhiều một cách bất thường.
Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến trẻ đi ngoài nhiều lần. Chế độ ăn của mẹ đang cho con bú ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa của của trẻ sơ sinh. Trong giai đoạn ăn dặm, những thực phẩm chế biến không đúng cách và không đảm bảo an toàn vệ sinh đều gây nguy hại đến đường tiêu hóa của trẻ.
Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất nước, mệt mỏi, suy nhược, biếng ăn, thậm chí là suy hô hấp dẫn đến tử vong. Trường hợp này bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Đối với trường hợp trẻ bị hăm tã, có thể sử dụng kem chống hăm hoặc phấn cho trẻ. Nên sử dụng kem đặc trị hăm tã có chứa thành phần oxit kẽm khi thấy trẻ nổi mẫn đỏ ở vùng mông. Lưu ý sau khi bé đi ngoài xong, mẹ nên cho bé thả rông vùng mông trong 1 thời gian ngắn cho vùng mông của bé để được khô thoáng tự nhiên rồi hãy mặc tã lại.
Với trường hợp trẻ bị dị ứng sữa mẹ hoặc thức ăn, mẹ nên xem xét lại chế độ ăn của mình để loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sữa mẹ. Khi trẻ ở lứa tuổi ăn dặm, cha mẹ cần nên tham khảo cách chế biến thức ăn đúng cách và đảm bảo an toàn vệ sinh để không ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của trẻ.
Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên chú ý theo dõi rồi tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp xử lý kịp thời. Việc quan tâm thường xuyên đến việc đi ngoài của trẻ nhỏ giúp đảm bảo về sức khỏe lẫn sự phát triển tốt nhất cho trẻ.