Khi thời tiết chuyển mùa, hầu hết các bé sẽ mắc một số bệnh nhẹ như cảm, sốt, ho, có đờm. Nhiều mẹ cho rằng đó là do “viêm nhiễm” nên lập tức cho con uống thuốc kháng sinh để giảm các triệu chứng. Tuy nhiên mẹ có nên làm vậy hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bởi thuốc kháng sinh chủ yếu được sử dụng để ức chế hoặc tiêu diệt các vi sinh vật khác nhau, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm, các tác nhân gây bệnh không điển hình, v.v., có thể kiểm soát hoặc loại bỏ nhiễm trùng.
Cảm là gì và chủ yếu do nguyên nhân nào?
Cảm là tên gọi chung của bệnh viêm đường hô hấp trên cấp tính, biểu hiện chủ yếu là sổ mũi, nghẹt mũi, ho, ho có đờm và các triệu chứng khác, có thể kèm theo sốt. Đây là một bệnh tự giới hạn, với giai đoạn cấp tính 3-5 ngày và kéo dài một đợt 5-7 ngày.
Các triệu chứng của cảm cúm và khi nào nên dùng kháng sinh?
1. Đau họng
Hầu hết các chứng viêm họng, đau họng đều có nguyên nhân từ nhiễm virus. Nếu virus là thủ phạm gây ra chứng đau họng thì không cần thiết phải dùng kháng sinh. Lúc này, cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đầy đủ >dinh dưỡng, trái cây và dùng các bài thuốc có sẵn trong nhà, như: Mật ong, chanh, gừng pha với nước ấm sẽ có hiệu quả giảm đau họng.
Với những triệu chứng không thể cải thiện và tình hình ngày càng trở nên trầm trọng, sốt, khó nuốt… thì có thể nghĩ tới viêm amidal. Lúc này nên đến gặp bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.
2. Ho tức ngực
Vào thời điểm giao mùa, không khí ẩm, lạnh thất thường, thì khi nhiễm cảm cúm, cơn ho có thể kéo dài lên đến 3 tuần. Đây cũng là điều bình thường, kể cả khi có đờm xanh cũng không cần sử dụng kháng sinh.
Chỉ khi bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, cơn ho kèm với sốt dai dẳng, khó thở, đau ở ngực hay đờm vấy máu… Lúc này cần gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh.
3. Đau tai
Đau tai trong đợt nhiễm cảm cúm cũng là hiện tượng khá thường gặp, đặc biệt là đối với trẻ em. Sử dụng kháng sinh lúc này là không cần thiết.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau tai tiến triển nặng lên, kể cả khi đã sử dụng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) nhưng tình trạng đau không bớt mà còn tồi tệ hơn; có hiện tượng chảy mủ ở tai… Lúc này cần phải sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
4. Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng sưng trong xoang thường là do nhiễm virus mà có dùng kháng sinh cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chỉ cần hít hơi nước nóng (có thể lựa chọn tùy cách phù hợp, nhưng chú ý tránh hơi nước nóng quá dẫn đến bỏng niêm mạc mũi). Hơi nóng sẽ làm mềm chất bài tiết và nó dễ dàng ra ngoài ra mũi và làm giảm tình trạng viêm xoang. Nếu nghẹt mũi quá có thể dùng thuốc thông mũi, tuy nhiên không nên lạm dụng.
Khi tình trạng viêm xoang không được cải thiện sau một tuần hoặc triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, thì có thể cần sử dụng kháng sinh. Bởi sự kém thoát dịch trong viêm xoang có thể tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn.
Bé bị cảm, sốt mẹ nên làm gì?
Đối với trẻ sơ sinh trong vòng 6 tháng, chủ yếu nên tăng số lần bú. Sữa mẹ chứa đủ nước, có thể làm ẩm đường hô hấp và làm loãng đờm. Trên cơ sở đảm bảo lượng sữa, trẻ sau khi ăn dặm có thể cho trẻ uống thêm nước, nếu vẫn không thuyên giảm có thể dùng nước muối sinh lý thông thường để xịt mũi họng tại nhà, trẻ trên một tuổi có thể ăn 2-5ml mật ong để giảm ho.
Phòng bệnh cảm cúm cho trẻ
Chủ động phòng bệnh cúm giúp trẻ an toàn trong mùa bệnh
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch.
- Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m).
- Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người: bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim…
- Nhắc nhở trẻ thói quen che miệng khi ho.
- Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.
- Phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cúm.