Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi giàu dưỡng chất, giúp bé ăn ngon miệng có phải là điều bạn đang tìm kiếm? Vậy thì đừng bỏ qua những gợi ý dưới đây nhé!

Thảo Phạm 08:41 22/07/2021

Giai đoạn bé chuyển từ bú sữa mẹ sang ăn dặm khiến nhiều mẹ không khỏi đau đầu khi suy nghĩ thực đơn cho bé như thế nào là hợp lý, giúp trẻ tăng cân an toàn và khỏe mạnh. 

Nếu bạn cũng đang tìm kiếm thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng phù hợp nhất, thì chắc hẳn những chia sẻ ngay tại bài viết này sẽ khiến bạn thở phào nhẹ nhõm vì thực đơn bạn cần ở ngay đây rồi.

1. Nguyên tắc ăn dặm cho trẻ giai đoạn 6 tháng tuổi

Trước khi tìm hiểu thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi, mẹ bỉm cần hiểu rõ về nguyên tắc ăn dặm phù hợp với trẻ ở giai đoạn này như thế nào.

Ngày nay, có nhiều hướng dẫn các phương pháp ăn dặm cho bé như ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm BLW tự chỉ huy hay ăn dặm truyền thống.

Dù là Gợi ý món ăn dặm trẻ 6 tháng nào đi chăng nữa cũng có ưu nhược điểm riêng, nhưng đầu tiên mẹ cần nhớ đến những nguyên tắc cơ bản như sau:

 Những nguyên tắc khi xây dựng thực đơn cho bé 6 tháng

- Lượng thức ăn dặm cho bé: Thay đổi theo từng giai đoạn.

- Lượng sữa bột hoặc sữa mẹ: Nên cho bé ăn theo nhu cầu.

- Cách chế biến thực phẩm: Thức ăn cho bé ăn dặm 6 tháng phải được nghiền nhuyễn, mịn để bé dễ tiêu hoá và tập làm quen từ từ.

Trẻ 6 tháng nên ăn gì? Nên cho bé làm quen với thực phẩm theo từng giai đoạn bắt đầu từ nhóm I, II, III.

- Nhóm I: Chủ yếu là bột ngũ cốc. Đơn giản nhất, mẹ có thể bắt đầu từ cháo trắng nghiền nhuyễn để cho bé ăn.

- Nhóm II: Rau củ quả giàu >dinh dưỡng và đan xen nhau như bí đỏ, khoai lang, cà rốt.

- Nhóm III: Thịt nạc như thịt nạc lợn, thịt cá trắng, thịt gà.

Chú ý thực đơn cho bé 6 tháng ăn dặm nên chế biến từ dạng loãng rồi mới đến dạng đặc. Vì hệ tiêu hoá của bé vẫn còn yếu, chưa có đủ enzym để tiêu hoá tốt các loại thực phẩm, nên cần quá trình cho bé làm quen dần.

Ăn từ ít đến nhiều: Một sai lầm khi bước vào độ tuổi ăn dặm, nhiều mẹ muốn bé ăn nhiều, mau tăng cân nên bắt bé ăn quá nhiều thức ăn trong một lần.

Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hoá. Vì thế, chỉ nên cho bé tập làm quen, tăng dần lượng thức ăn sao cho phù hợp hoặc chia thành nhiều bữa nhỏ.

Ăn từ vị ngọt đến mặn: Mẹ nên cho bé làm quen với các loại bột ngọt rồi mới chuyển dần sang bột có vị mặn.

2. Những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm

Khi bé đã sẵn sàng ăn dặm, sẽ có những dấu hiệu gợi ý mà mẹ nên chú ý như sau:

- Bé đã có thể ngồi dậy mà không cần bố mẹ trợ giúp.

- Bé hợp tác ăn, không từ chối, quấy khóc hay đẩy thức ăn ra khỏi miệng.

Khi nào bé sẵn sàng ăn dặm?

- Bé có dấu hiệu tập nhai những gì mẹ cho vào miệng.

- Bé có biểu hiện hào hứng khi tham gia vào bữa ăn của gia đình.

- Bé đã biết dùng tay để cầm nắm những thứ gần mình cho vào miệng gặm.

3. Thực đơn ăn dặm chi tiết theo viện dinh dưỡng

Đối với thực đơn dưới đây theo gợi ý của viện dinh dưỡng, được liệt kê một cách chi tiết trong 1 tuần sẽ giúp mẹ bỉm tiết kiệm thời gian khi suy nghĩ món ăn và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng phù hợp với bé.

Tuy nhiên, tùy theo sở thích, tình trạng thực tế của bé, mẹ có thể dựa vào đây để chọn lựa những món ăn hay khung giờ phù hợp với trẻ. Tốt nhất, có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn rõ hơn.

Gợi ý thực đơn ăn dặm trẻ 6 tháng chi tiết

Thứ 2 và thứ 4

- 6 giờ sáng: Cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng từ 150 – 200ml.

- 9 giờ: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi bao gồm 10gr bột gạo, 10gr thịt nạc, 5gr dầu oliu và 1 thìa cà phê rau xanh.

- 10 giờ: Cho bé ăn trái cây có thể là chuối tiêu khoảng 1/3 quả.

- 11 giờ: Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy theo nhu cầu trẻ.

- 14 giờ: Cho bé ăn dặm với thực đơn là 3 thìa bột sữa kết hợp cùng 10gr bột gạo, 1 thìa cà phê rau lá xanh (súp lơ, rau ngót, cải bó xôi...) và 5gr dầu oliu hoặc dầu óc chó.

- 16 giờ: Cho bé uống nước cam ngọt.

- 18 giờ: Bé bú sữa công thức hoặc sữa mẹ khoảng 150-200ml.

Thứ 3 và thứ 5

- 6 giờ sáng: Cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

- 9 giờ: bé ăn dặm với bột thịt gà bao gồm 10gr bột gạo, 10gr thịt nạc gà, 5gr dầu ăn dành cho trẻ và 1 thìa cà phê rau xanh.

- 10 giờ: Khoảng 50gr đu đủ chín.

Thực đơn ăn dặm theo tuần cho bé

- 11 giờ: Cho bé bú sữa tuỳ theo nhu cầu của bé, có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức.

- 14 giờ: Bé 6 tháng tuổi ăn dặm với thực đơn là bột thịt lợn bao gồm 10gr bột gạo, 10gr thịt nạc lợn, 5gr dầu oliu hay dầu óc chó và 1 thìa cà phê rau xanh.

- 16 giờ: Cho bé uống nước cam ngọt.

- 18 giờ: Bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

Thứ 6 và chủ nhật

- 6 giờ sáng: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

- 9 giờ: Cho bé ăn dặm với bột sữa bao gồm 10gr bột gạo, 3 thìa sữa bột, 5gr dầu oliu, 1 thìa cà phê rau xanh nghiền nát hoặc xay nhuyễn.

- 10 giờ: Cho bé ăn hồng xiêm khoảng 1/3 quả hoặc những loại trái cây khác.

Chi tiết khung thời gian và gợi ý thực đơn ăn dặm cho cả tuần

- 11 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tuỳ thuộc vào nhu cầu của bé.

- 14 giờ: Cho bé ăn dặm bột thịt gà với nguyên liệu bao gồm 10gr bột gạo, 10gr thịt gà, 1 thìa cà phê rau xanh và 5gr dầu ăn.

- 16 giờ: Cho bé uống nước cam ngọt.

- 18 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

Thứ 7

- 6 giờ sáng: Bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

- 9 giờ: Bé ăn dặm với bột trứng gồm 1 lòng đỏ trứng gà kết hợp cùng 10gr bột gạo, 1 thìa cà phê rau củ (có thể là rau xanh hoặc các loại củ xay nhuyễn), 5gr dầu oliu hay dầu gấc, dầu óc chó.

- 10 giờ: xoài chín khoảng 50 gr.

- 11 giờ: Bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ.

- 14: Bé ăn dặm với bột sữa gồm 10gr bột gạo, 3 thìa bột sữa, 1 thìa cà phê rau xanh (cải bó xôi, rau ngót, cải ngọt, súp lơ...) và 5gr dầu oliu hay óc chó.

- 16 giờ: Bé uống nước cam ngọt.

- 18 giờ: Mẹ cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150 – 200ml.

Dựa vào gợi ý này mẹ có thể thay đổi thực đơn đa dạng và phù hợp hơn

Đối với nước cam, mẹ có thể thay thế bằng các loại nước ép khác tùy theo sở thích của bé để luân phiên thay đổi hoặc trà lúa mạch phù hợp với độ tuổi của bé. 

Đối với rau xanh, mẹ cũng nên thay đổi đa dạng các loại rau để bé tập làm quen dần với mùi vị và khiến bé thích thú hơn trong bữa ăn của mình.

4. Những kiểu ăn dặm khác

Ăn dặm kiểu Nhật cũng là phương pháp được nhiều mẹ yêu thích, vì có thể tập cho trẻ ăn thức ăn thô sớm, đa dạng loại thực phẩm để bé làm quen dần.

Vào thời gian đầu, mẹ nên cho bé cháo nhuyễn theo tỷ lệ 1 gạo 10 nước và thay đổi dần theo tháng tuổi.

Thực phẩm ăn dặm kiểu nhật bé 6 tháng tuổi sẽ được chế biến riêng chứ không trộn chung với nhau để bé dễ dàng phân biệt được mùi vị và giúp mẹ biết được những thực phẩm gây dị ứng với bé.

Tuy nhiên, nên đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, vitamin và chất đạm và thay đổi luân phiên để đa dạng thực đơn.

Ăn dặm tự chỉ huy: Đây là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ phương Tây. Với cách ăn dặm này, bé là người chủ động trong bữa ăn của gia đình.

Những phương pháp ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi

Mẹ sẽ nấu riêng từng món phù hợp với độ tuổi của bé rồi để bé ăn thức ăn thô của mình thay vì cháo nhuyễn xay mịn.

Phương pháp này giúp bé phát triển tốt kỹ năng của mình như cầm nắm, nhận diện, kiểm soát thức ăn.

Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian đầu bé sẽ chưa bắt đầu ăn ngay, đòi hỏi mẹ phải kiên nhẫn. Bên cạnh đó, trẻ có nguy cơ bị hóc thức ăn cứng. Vì thế, mẹ phải theo dõi và có thể cần điều chỉnh phương pháp ăn cho phù hợp với trẻ.

Với những gợi ý thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi từ bài viết này, hy vọng đã giúp mẹ bỉm có thêm những thông tin hữu ích về nguyên tắc ăn dặm dành cho bé và thời gian biểu hợp lý cho cả tuần, giúp bé ăn ngon, phát triển khỏe mạnh và tiết kiệm thời gian suy nghĩ món ăn cho mẹ.

Thảo Phạm | Theo Phụ nữ sức khỏe