Trước áp lực của các kỳ thi đầu cấp, tuyển sinh đại học, không ít thí sinh bị stress, mắc hội chứng lo âu, trầm cảm... buộc phải nhập viện điều trị. Đó chính là thời điểm cha mẹ cần nhận ra và động viên, tiếp sức.
Nhập viện điều trị vì stress
Cuối năm học là thời điểm học sinh chuẩn bị bước các kỳ thi chuyển cấp, bởi vậy, áp lực, nỗi lo về học hành, thi cử lại càng gia tăng. Ngày càng có không ít trường hợp học sinh gặp phải những rối loại tâm lý do áp lực học tập. Nếu không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến >sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Đầu tháng 6, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai đã triếp nhận trường hợp Huy Hùng 18 tuổi, mắc >chứng rối loạn lo âu, stress do áp lực thi cử. Em nhập viện trong tình trạng vã mồ hôi, run tay chân, choáng đầu, hồi hộp, căng thẳng, kèm ăn kém, ngủ ít. Gần đây, Hùng tập trung ôn thi vào Học viện Ngân hàng, nhưng bố mẹ cho rằng nguyện vọng này cao hơn sức học của em, khiến Hùng thêm chán nản.
Trước đó, Hùng đã được chẩn đoán rối loạn lo âu, kê đơn thuốc điều trị. Tuy nhiên, trước mỗi kỳ thi hoặc mâu thuẫn bạn bè, Hùng lại stress, có biểu hiện run tay chân, cảm giác choáng váng, lo âu, sợ hãi vô cớ. Lần này, các bác sĩ dùng liệu pháp tâm lý kèm thuốc để em giảm để giảm lo âu, căng thẳng, chuẩn bị tinh thần vượt vũ môn.
Cũng không kiểm soát được cảm xúc trước kỳ thi, Nam 18 tuổi, ở Hà Nội, thường xuyên cấu véo lên tay chân để thấy dễ chịu. Từng là học sinh ngoan giỏi, nhưng hơn một năm nay, em có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, hay cãi bố mẹ, trong đầu luôn xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối, thậm chí có nhiều trò nghịch ngợm và trêu đùa quá khích với bạn bè.
Gần đây, Nam chán nản vì không theo được guồng ôn thi ở trường, giảm hứng thú. Sợ bố mẹ lo lắng, em cố gắng học để phụ huynh không buồn, “nhưng càng học càng không vào”. Gia đình đưa em đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, luôn cảm thấy áp lực vì không biết mục đích học để làm gì, tay chân nhiều vết bềm.
Ảnh minh họa
Những dấu hiệu cần biết
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, chuyên gia tâm lý cho biết, thời điểm kỳ thi đến, áp lực tăng lên, tình trạng căng thẳng tâm lý ở học sinh sẽ gia tăng. Thực tế stress có 2 mặt, bao gồm cả có lợi và có hại. Trước những áp lực lớn, cần nhiều sự nỗ lực, con người xuất hiện áp lực là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu áp lực đó vượt qua ngưỡng chịu đựng và con người không biết cách giải quyết thì sẽ dẫn đến suy giảm các chức năng tâm lý, phá vỡ cấu trúc bộ máy tâm thần, khi đó sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Những dấu hiệu bất thường phổ biến nhất ở học sinh xuất hiện trong mùa thi là tình trạng stress, lo âu học đường, trầm cảm học đường. Những dấu hiệu cha mẹ có thể nhận thấy trong thời gian này như con thường xuyên than phiền mệt mỏi về các vấn đề học tập, thi cử, là tình trạng bỏ bê học hành tập hay sa sút kết quả học tập bất thường.
Trẻ cũng thường có những cơn cáu gắt, xung đột với mọi người do không thể kiểm soát được cảm xúc. Thậm chí, một số em do quá mệt mỏi với việc học nên lao vào thế giới ảo và trò chơi điện tử để giải tỏa. Một số em xuất hiện các dấu hiệu như nói dối, bỏ nhà đi chơi game, trốn học, tham gia vào những nhóm bạn xấu ngoài trường….
Để giải quyết vấn đề này, theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, trước hết cha mẹ cần thấu hiểu, đồng hành để giúp đỡ con, giảm áp lực cho con bằng cách giảm những kỳ vọng, xem lại khả năng của con và đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực học tập của con.
Thứ 2, trong giai đoạn này các bậc phụ huynh cũng cần cố gắng gắng chăm sóc >dinh dưỡng tốt nhất cho con, chú ý xây dựng nề nếp sinh hoạt hàng ngày khoa học. Học tập cần đi liền với nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng, tập thể dục thể thao.
Ngoài ra, với thầy cô và nhà trường cũng cần có giải pháp phân luồng cho học sinh phù hợp. Khi có định hướng rõ ràng, học sinh sẽ giảm những căng thẳng, lo âu. Không chỉ làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, mà các trường cũng nên làm tốt công tác tư vấn cho cha mẹ để các cha, mẹ không tạo thêm áp lực không phù hợp cho học sinh trước mùa thi.