Việc đôi lúc con có những cảm xúc tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta cần hướng dẫn con cách xử lý với cơn tức giận phù hợp để con có thể kiề chế được những hành động tiêu cực không đáng có.

An Nhiên (dịch) 10:16 03/02/2022

1.Con bạn có thường xuyên tức giận không? 

 

Giận dữ có thể là một cảm xúc mãnh liệt mà đôi khi ngay cả người lớn cũng khó kiểm soát. Với các em nhỏ, đó không chỉ là một cảm xúc căng thẳng mà còn có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy rất lo lắng khi nhìn các con trải qua những cảm xúc không hay như vậy. Nếu con bạn thất vọng hoặc nổi cáu trước những sự kiện nhỏ nhất, la hét, hoặc tệ hơn là trở nên hung dữ, bạn cần tìm hiểu chúng đang gặp vấn đề gì.

2. Trẻ em có thể tức giận và có những suy sụp về cảm xúc

 

La mắng, khóc lóc, la hét hoặc nổi cơn thịnh nộ có thể là những dấu hiệu phổ biến bộc phát khi trẻ tức giận. Mặc dù điều rất quan trọng là sử dụng đúng các cụm từ và xoa dịu một đứa trẻ đang tức giận khi chúng đang lên cơn giận dữ và biết điều gì khiến chúng tức tối dữ dội như vậy, nhưng cũng cần phải dạy chúng những kỹ năng quan trọng và kỹ thuật cần thiết để kiểm soát mức độ tức giận. Khi hướng dẫn con cách kiểm soát cơn giận, con có thể xử lý cảm xúc của mình theo cách lành mạnh hơn và biết cách giải quyết các vấn đề trong tương lai.

3. Bắt đầu bằng cách thừa nhận cơn giận của con và chia sẻ về cảm giác của con

 

Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng mà tất cả trẻ em cần được hướng dẫn, bắt đầu là khi ở nhà. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến trẻ nổi giận, đánh đấm hoặc xúc phạm khi còn nhỏ là vì chúng không biết cách chính xác để bộc lộ những gì chúng cảm thấy - hoặc không có lối thoát, sự hỗ trợ cần thiết để thể hiện cảm xúc của chúng. Do đó, người ta thường nói rằng việc điều chỉnh cảm xúc và xử lý đối với những cảm xúc mãnh liệt như vậy là một kỹ năng thiết yếu của thời thơ ấu.

Khi bạn thừa nhận, hết lòng ủng hộ và cho trẻ biết rằng việc trải qua những cảm xúc như vậy là không sai, bạn sẽ giúp trẻ dễ dàng cởi mở hơn với bạn và tìm ra cách hạ nhiệt  tốt hơn cho những cảm xúc mãnh liệt của chúng, thay vì chúng ta tức giận quát mắng hay lớn tiếng với con.

4. Chuẩn bị sẵn kế hoạch giúp con bình tĩnh

 

Ngoài việc giải quyết các nguyên nhân và cảm xúc gốc rễ, sẽ rất hữu ích nếu bạn chuẩn bị sẵn các phương pháp và lời nói phù hợp bất cứ khi nào và ở đâu con bạn nóng nảy hoặc nổi cơn thịnh nộ. Hãy nhớ rằng, những từ phù hợp tạo nên sự khác biệt trong việc tiếp cận với trẻ.

Mặc dù việc kiềm chế cảm xúc của chính bạn trong những thời điểm như vậy có thể cũng vô cùng khó khăn, nhưng cha mẹ và người chăm sóc nên luôn luôn chuẩn bị sẵn kế hoạch, sử dụng những cụm từ phù hợp để giúp trẻ bình tĩnh lại, thay vì thúc đẩy cơn thịnh nộ hơn nữa cho cả ba mẹ và trẻ.

Nếu bạn có một đứa trẻ thường xuyên tức giận và bạn cảm thấy khó làm cho chúng trở nên tốt hơn, hãy thử dành một góc trong nhà của bạn như một góc tĩnh tâm, nơi trẻ có thể lui vào khi chúng trải qua những cảm giác khó chịu. Khuyến khích con trẻ làm điều gì đó nhẹ nhàng hoặc điều gì khiến con cảm thấy hạnh phúc hơn (và bình tĩnh hơn) cũng có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu và giúp kiềm chế cảm xúc. Khi con quen với điều này, con cũng sẽ bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm hơn với hành động của mình.

5. Dạy con kỹ năng quản lý cơn tức giận

 

Ngoài việc nhận ra cảm xúc của con, điều quan trọng là bạn phải làm cho con nhận thức được con giận dữ vì gì và con nên làm gì để kiểm soát cảm xúc của mình trong những lúc như vậy. Dạy chúng hít thở sâu là một cách tuyệt vời để đối phó với cảm xúc giận dữ ngay lúc đó và chuẩn bị sẵn một chiến lược làm dịu mà trẻ có thể tự thử sức mình cũng rất hữu hiệu. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ, sản phẩm handmade thú vị như nhiệt kế đo cơn giận dữ (một hình vẽ được vẽ lên với các mức độ màu sắc khác nhau ứng với mức độ tức giận) và so nó với cảm giác của con để đánh lạc hướng con trong cơn giận thực sự con đang trải qua .

Nếu con bạn đủ lớn để hiểu một số hình thức kỷ luật nào đó, hãy dạy chúng bỏ qua những hành động quá khích ngay lập tức, hoặc dặn con ba/mẹ sẽ đếm đến một số nào đó rồi con hãy bình tĩnh hơn nhé để giúp con vượt qua được cảm xúc bộc phát cực độ lúc ban đầu khi chúng cảm thấy tức giận.

Theo Times of india

An Nhiên (dịch) | Theo Phụ nữ sức khỏe