Trẻ nhỏ mắc Covid-19 tăng cao thời gian qua với triệu chứng ho, sốt khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Để chăm sóc con khi mắc dịch bệnh bố mẹ cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết.
- 5 dấu hiệu "thông minh giả tạo" ở trẻ, bố mẹ càng phớt lờ tương lai càng hối hận, cái thứ 2 rất đáng suy ngẫm
- Tổng hợp những loại nước ép tốt cho bà bầu và thai nhi, mẹ nên uống thường xuyên để có thai kỳ khỏe mạnh
Theo TS.BS Nguyễn Đình Tỉnh - Giảng viên bộ môn nhi, Khoa Y học lâm sàng, Trường Đại học Y tế Công cộng, trung bình mỗi ngày ông nhận được 30 - 40 cuộc gọi xin tư vấn của bố mẹ liên quan đến trẻ mắc COVID-19, chủ yếu là triệu chứng sốt.
Làm gì khi trẻ bị sốt do mắc COVID-19?
Bác sĩ Tỉnh cho biết, sốt là triệu chứng rất thường gặp, không chỉ đối với các bệnh nhi mắc COVID-19 mà trẻ bình thường mọc răng, tiêm phòng cũng có biểu hiện sốt. Tuy nhiên trẻ bị sốt do COVID-19 sẽ khiến bố mẹ lo lắng hơn.
Nhiều cuộc gọi đến chỉ cung cấp cho bác sĩ thông tin: "Con nhà em tự dưng bị sốt cao" khiến bác sĩ gặp khó khăn trong nắm bắt tình hình của trẻ và chẩn đoán.
"Những trường hợp như vậy tôi nhắc nhở phụ huynh ghi đầy đủ thông tin tình hình con như sốt thời điểm nào, sốt trong bao lâu, sốt bao nhiêu độ.
Thông thường, khi trẻ mắc COVID-19 triệu chứng sốt xuất hiện nhiều nhất. Trường hợp sốt nhẹ sẽ khỏi trong 1-2 ngày, nhưng cũng có trường hợp sốt liên tục trong 3-5 ngày", bác sĩ Tỉnh nói.
Vị bác sĩ này lưu ý, khi trẻ bị sốt do virus COVID-19 gây ra thì cũng sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng khuyến cáo. Thời điểm em bé sốt cao, ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, bố mẹ có thể pha nước ấm để chườm, lau người cho bé (trong trường hợp nhiệt độ cho phép).
Với thời tiết lạnh ở Hà Nội nếu trẻ ở phòng kín bố mẹ có thể bỏ bớt áo cho trẻ chỉ mặc đủ ấm, không nên chườm nước ấm. Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi không nên sử dụng biện pháp chườm mà có thể bỏ bỉm cho bé, việc này cũng có thể giúp bé hạ sốt.
Bố mẹ không nên quá lạm dụng thuốc hạ sốt. Nhiều trường hợp do quá lo lắng khi cho con uống thuốc rồi mà cơn sốt chưa hạ cũng không nên quá sốt ruột lại cho con uống tiếp một loại thuốc hạ sốt khác với mong muốn hạ sốt ngay, có thể sẽ dẫn đến việc trẻ bị sử dụng thuốc hạ sốt quá liều.
"Trong trường hợp em bé vẫn sốt cao liên tục trong nhiều ngày cần báo với y tế địa phương để đưa trẻ đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết", bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.
Khi trẻ sốt thì thường sẽ mệt, mất nước, mất năng lượng… Các bé sẽ ăn rất ít, bỏ ăn, nôn trớ… Trong trường hợp này bố mẹ nên chia khẩu phần ăn của con thành các bữa nhỏ, cho ăn ít một và quan sát xem con có nôn trớ hay không.
Nên ưu tiên nhóm thực phẩm giàu năng lượng, nếu ăn các loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng thì trẻ sẽ không có đủ năng lượng.
Đặc biệt với những trẻ béo phì là nhóm có nguy cơ chuyển nặng cao hơn. Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, các bé cần có chế độ vận động và tập hít thở từ sớm chứ không chờ đến lúc ho nhiều, khó thở mới tập. Đối với nhóm đối tượng này, khi trẻ mắc COVID-19 nên có máy SpCO2 để theo dõi hằng ngày.
Chia sẻ với báo chí, ThS.BS Đinh Ngọc Hoa - Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thời gian dịch bệnh kéo dài, trẻ phải ở nhà, ít vận động khiến tỉ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng lên nhiều hơn so với trước.
"Trẻ ở nhà thường xuyên, mỗi gia đình đều có rất nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng, trong đó có cả thức ăn nhanh như gà rán, bim bim… là những thứ các bạn nhỏ rất thích.
Khi chăm sóc nhóm trẻ này, bố mẹ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con, giảm lượng thức ăn nhanh, thay vào đó là rau xanh, hoa quả để trẻ có thêm lượng viatmin cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, trẻ cần được tăng cường tham gia vận động, hít thở.
Đối với các bạn nhỏ dưới 5 tuổi, thông thường chúng ta sẽ không sử dụng các biện pháp giảm cân mà tìm cách tăng chiều cao cho trẻ" - bác sĩ Hoa nói.
Bác sĩ Hoa cũng khuyến cáo khi trẻ có các biểu hiện thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú hoặc ăn uống, tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% cần liên hệ ngay với cơ sở y tế phường hoặc 115 để cấp cứu kịp thời.