Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông, được tổ chức vào giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch hàng năm. Năm nay 2023 thì nhằm ngày thứ 5 - 22/06 dương lịch.
Hôm nay mình gợi ý chút xíu danh sách cần chuẩn bị nha:
Trong Văn hoá Việt Nam ngày Tết Đoan Ngọ được gọi cái tên là “ Tết giết sâu bọ “. Nếu Tết Nguyên Đán là Tết khởi đầu cho một năm mới, thì Tết Đoan Ngọ là khởi đầu cho mùa vụ. Người Việt thường làm lễ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu không bị sâu bọ quấy nhiễu. Ngày nay cuộc sống lao động sản xuất thay đổi thì nó còn mang thêm ý nghĩa là thời điểm để gia đình sum họp, cùng nhau trừ bỏ các bệnh sâu bọ, kí sinh trong con người.
- Lễ cúng là những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật… Gợi ý những thứ mình chuẩn bị để cúng Tết Đoan Ngọ, cúng ngày này thì ưu tiên mùa nào thức nấy.
- Trái cây : Vải, mận, đào … đang vào chính vụ, ko những ngon rẻ mà còn giúp diệt trừ sâu bọ trong cơ thể
- Rượu nếp : Theo quan niệm dân gian, vị nồng của rượu nếp và vị cay của men rượu giúp diệt kí sinh trong cơ thể người
- Bánh Gio ( Tro ), Xôi ( hoặc cốm ) , Chè bà cốt, bánh xu xê.
- Nước sạch, vàng mã, hương, ấm trà, trầu cau, nến.
- Mâm Phật Thủ ( lúc nào nhà Thơ cũng có )
- Hoa sen (đang giữa mùa), hoa cau, hoa cúc, hoa trang trí thêm nếu thích.
- Hoa thơm bầy mâm : Hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa móng rồng.
... Mình làm 1 mâm chính to, đầu mâm cắm đĩa hoa, xếp hoa quả, rượu nếp, bánh trái, trầu cau.
- Một mẹt hoa tươi những loại hoa thơm phức vì mình được hướng dẫn rằng thắp hương thì thắp những thứ dậy mùi thơm, vì phần thực họ không dùng được, nên thưởng thức mùi hương tự nhiên ngon lành toả ra từ đồ dâng lễ. Trên bàn thờ phật chỉ thờ đồ chay, không để rượu vợ chồng dễ mẫu thuẫn …
** Xung quanh bầy thêm bát chè, đĩa xôi gấc, đĩa cốm, ấm trà, lư trầm.
***Gợi ý nấu chè bà cốt rất dễ :
Gạo nếp, Gừng, Đường mía, Đường nâu, Muối.
Nướng gừng lên lửa cho thơm. Thái sợi 1/2 củ còn lại đập dập lọc lấy nước.
Đun nước sôi cùng đường nâu, thả gạo ( tỉ lệ như nấu cháo loãng ), nước cốt gừng, một xíu muối trắng để thêm đậm đà, nấu trên lửa nhỏ đến khi gạo bung nhẹ, sau đó thả gừng sợi vào và thêm mật mía cho đủ ngọt. Thế là xong.
Tản mạn một chút về sự tích ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam :
Truyền thuyết kể lại rằng Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất hết. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Chúc mọi người một ngày Tết truyền thống vui vẻ, hạnh phúc, khỏe mạnh bên người thân yêu!
Nguồn: Nguyễn Thơ Thơ