Sữa chua từ lâu đã được biết đến là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn sữa chua sai cách có thể giảm bớt tác dụng của sữa chua.

Hoàng Phương (TH) 15:56 03/08/2022

 

Sữa chua là một trong những sản phẩm sữa lên men phổ biến nhất trên thế giới, được làm bằng cách thêm vi khuẩn sống vào sữa.

Sữa chua được sử dụng như một phần của bữa ăn chính, bữa ăn nhẹ. Sữa chua cũng được sử dụng như một nguyên liệu để làm nước sốt và là món tráng miệng được nhiều người yêu thích.

Thành phần> >dinh dưỡng của >sữa chua

Trong 100 gam sữa chua có:

- Lượng calo: 61

- Chất béo : 3,3 gam

- Carbohydrate : 4,7 gam

- Chất đạm : 3,5 gam

Ngoài ra, trong sữa chua còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất bao gồm vitamin A, vitamin D và canxi, kẽm, selen, phốt pho,...

Lợi ích của sữa chua

  1. Cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Sữa chua thông thường và các loại sữa chua uống có thể bổ sung vi khuẩn có lợi và axit lactic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể gây ra một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,...

  1. Tăng cường miễn dịch cho cơ thể

Thường xuyên ăn sữa chua - đặc biệt là những loại sữa chua có chứa probiotics - có thể tăng cường miễn dịch của cơ thể và giảm khả năng mắc bệnh.

Probiotics đã được chứng minh là có khả năng làm giảm triệu chứng viêm, bảo vệ cơ thể khỏi một số loại virus và vi khuẩn có hại cho cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

  1. Tăng cường >sức khỏe xương khớp

Protein có trong sữa chua có thể đóng vai trò nâng đỡ cơ khớp sau khi vào cơ thể, đồng thời có vai trò tích cực đối với sức khỏe của xương và cơ.

Sữa chua chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì sức khỏe của xương, bao gồm canxi, protein, kali, phốt pho và vitamin D. Đây là các vitamin và khoáng chất có thể ngăn ngừa tình trạng loãng xương - tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng việc tiêu thụ ít nhất ba phần thực phẩm từ sữa chẳng hạn như sữa chua mỗi ngày có thể giúp duy trì khối lượng và độ chắc khỏe của xương, đặc biệt là ở những người đã lớn tuổi.

  1. Đẹp da

Sữa chua chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, giúp >chăm sóc da hiệu quả. Ăn sữa chua thường xuyên có thể làm cho da trắng sáng, mềm mại và đàn hồi hơn.

4 KHÔNG cần lưu ý khi ăn sữa chua

  1. Không ăn sữa chua khi đang dùng thuốc

Không nên ăn sữa chua khi đang sử dụng thuốc vì các thành phần trong sữa chua có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc.

Đặc biệt nhiều người có thói quen ăn sữa chua khi đang sử dụng kháng sinh. Điều này là do kháng sinh sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển và sinh sôi nhiều hơn.

Nhiều người cho rằng ăn sữa chua sẽ bổ sung lại lượng lợi khuẩn bị mất do kháng sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng việc bổ sung cần được tiến hành ngay sau đợt uống kháng sinh, chứ không phải trong khi dùng kháng sinh.

  1. Không ăn quá nhiều

Sữa chua đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ nhưng không nên ăn quá nhiều sữa chua. Ăn quá nhiều sữa chua có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu,... Thậm chí, ăn quá nhiều, quá thường xuyên các loại sữa chua có đường còn có thể gây béo phì.

Theo đó, một người trưởng thành, khỏe mạnh chỉ nên ăn 2 hộp sữa chua mỗi ngày là đã đem lại đầy đủ lợi ích cho sức khoẻ như hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch.

  1. Không ăn sữa chua khi đói

Mọi người không nên ăn sữa chua khi đói vì khi đói, nồng độ axit trong dạ dày tương đối cao. Ăn sữa chua vào lúc này sẽ giết chết các lợi khuẩn có trong sữa chua, làm giảm tác dụng của sữa chua.

Mọi người nên ăn sữa chua khoảng 30 phút - 1 tiếng sau bữa ăn để đạt được lợi ích sức khỏe tối đa.

  1. Không hâm nóng sữa chua

Nhiều người lo lắng ăn sữa chua lạnh sẽ bị viêm họng nên ngâm sữa chua qua nước nóng hoặc hâm nóng qua lò vi sóng. Đây cũng là một cách ăn sai lầm vì việc hâm nóng sữa chua sẽ khiến các vi khuẩn có lợi mất khả năng hoạt động, hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa chua sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, thay vì hâm nóng sữa chua, mọi người có thể để sữa chua ở ngoài môi trường 30 - 45 phút trước khi ăn.

Theo Huyền My/Tổ Quốc