Rau ngải cứu có rất nhiều tác dụng cho làn da, nhan sắc, đặc biệt còn được xem là 'thần dược' đối với phụ nữ.

H.A (t/h) 13:12 27/11/2023

Loại cây mọc dại có nhiều tác dụng

Theo Vinmec, >ngải cứu có tên gọi khác ngải diệp, thuốc cứu tuy nhiên tên gọi này phổ biến ở miền Nam hơn. Ngải cứu cũng được biết đến thuộc họ cúc, thân thảo, chu kỳ sống lâu năm, lá cây mọc so le, mặt trên lá cây màu xanh đậm, mặt phía dưới có lông nhung màu trắng.

Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 - 1m, trong lá có tinh dầu, cây phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi, Alaska và Bắc Mỹ. Ở Việt Nam, cây ngải cứu dại thường mọc nhiều ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... đây chính là nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên để sản xuất thuốc. Cây ngải cứu còn được trồng trong vườn của nhiều gia đình, thường được sử dụng tại chỗ trong nấu ăn hoặc điều trị một số bệnh lý đơn giản.

Ngải cứu là loài cây quen thuộc. Ảnh: Internet

Ngải cứu thường được thu hoạch vào khoảng tháng 6 và bộ phận được sử dụng chủ yếu là lá, có thể trồng ngải cứu bằng cách giâm cành hoặc cây con mặc dù cây có ra hoa quả và cho hạt nhưng hạt không được sử dụng để gieo trồng.

Công dụng như 'thần dược'

Theo VTC dẫn tin từ Sohu & NetEase, ngoài là rau ăn, ngải cứu cũng là loại dược liệu tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt, loại rau mọc dại này còn được coi là "thần dược" đối với phụ nữ. Theo Đông y, ngải cứu là loại cây thuốc chữa bệnh, có thể chế biến thành những món ăn ngon và bổ cho >sức khỏe, giúp xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… và là một trong những vị thuốc bổ dành cho người bị động thai, sảy thai liên tiếp, nổi bật nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, lợi tiểu.

Trừ cảm lạnh, >làm đẹp da

Việc dùng lá ngải cứu khô để nấu nước ngâm chân có thể đẩy nhanh quá trình lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, điều hòa âm dương trong cơ thể, trừ cảm lạnh. Ngoài ra, cách ngâm chân bằng lá ngải cứu giúp đẩy khí lạnh từ trong người ra ngoài. Nhờ đó trông bạn có sức sống hơn, da mặt sẽ trở nên hồng hào căng bóng, ngày càng rạng rỡ.

Trị đau xương khớp

Nhiều phụ nữ sau khi sinh con bị đau nhức xương khớp, việc tắm bằng lá ngải cứu sẽ cải thiện tình trạng này. Cách làm: Dùng 50 gram ngải cứu khô và vài lát gừng để đun nước tắm.

Ngải cứu tốt cho xương khớp và các bệnh phụ nữ. Ảnh: Internet

Ngải cứu khô tác dụng điều hòa khí huyết, giúp làm ấm kinh mạch, trừ phong hàn và giảm đau nhức. Phụ nữ sau khi sinh dễ sinh phong hàn, nên thường xuyên dùng ngải cứu đun nước tắm.

Trị gàu, giảm ngứa đầu

Ngải cứu tiêu viêm, kháng khuẩn nên tác dụng trị ngứa và gàu rất tốt mà không gây hại cho tóc.

Thời gian đầu, bạn gội bằng nước ngải cứu khoảng 3 lần/tuần. Sau khi da đầu hết ngứa, có thể gội 1-2 lần/tuần. Kiên trì thực hiện phương pháp này, tóc sẽ ngày càng bồng bềnh và hết ngứa.

Ngải cứu rất tốt cho sức khoẻ. Ảnh: Internet

Ngoài ra, nước ngải cứu giúp đả thông kinh mạch trên đầu, giải phong hàn, từ đó bạn sẽ cảm thấy cơ thể thoải mái nhẹ nhõm, giảm đau đầu, ngủ ngon hơn.

Điều trị nấm da chân, phù nề

Lá ngải cứu tác dụng sát trùng, tiêu viêm. Việc kiên trì ngâm chân bằng nước lá ngải cứu có thể ức chế sự phát triển và sinh sản của vi khuẩn trên bàn chân, từ đó ngăn ngừa bệnh nấm da chân, giảm phù nề.

Điều hòa kinh nguyệt

Lá ngải cứu được gọi là thảo dược cho sức khỏe phụ nữ, thích hợp với phụ nữ khí huyết ngưng trệ. Nhiều chị em gặp vấn đề kinh nguyệt không đều, tay chân lạnh, uống chút trà ngải cứu sẽ thấy tác dụng rõ rệt.

Lưu ý khi ăn rau ngải cứu

Theo Tiền Phong, ngải cứu tốt nhưng có 1 số lưu ý khi ăn.

- Theo đó, trong 3 tháng đầu mang thai, phụ nữ nên tránh dùng cá loại dược liệu, trong đó có ngải cứu.

Ngải cứu có thể pha trà hoặc làm nhiều món ăn. Ảnh: Internet

- Ngải cứu là vị thuốc nhuận tràng hiệu quả, giúp cơ thể tăng việc đi tiểu. Do tác dụng này, người bị rối loạn đường ruột cấp tính nên tránh xa rau ngải cứu, tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn. Ngoài ra những người bị xơ vữa động mạch, sỏi thận... cũng được khuyên không nên ăn ngải cứu.

- Vì dược tính cao nên ngải cứu cũng có nhiều tác dụng phụ. Với một số người, nếu dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến co cứng, nói sàm, thậm chí tê liệt, có tổn thương ở tế bào não… và di chứng để lại là hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…

Cách ăn rau ngải cứu tốt nhất

Báo Kinh tế đô thị cho hay, để phát huy công dụng và tránh tác dụng phụ của ngải cứu, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu, như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.

Nếu sắc ngải cứu để uống thay nước chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi)/lần và sử dụng theo từng đợt. Khi khỏi bệnh thì nên nghỉ, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Một số bài thuốc từ ngải cứu

Báo VOV chia sẻ, một số bài thuốc bổ từ ngải cứu có thể dùng như sau đây:

- Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g).

- Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

- Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

- Sơ cứu vết thương bằng ngải cứu: Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.

 - Trị mụn, mẩn ngứa: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.

- Chữa đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt: Lấy 300gr ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong (ruồi, nghệ), vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần.

- Giúp lưu thông máu lên não: Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.

- Trị suy nhược cơ thể, kém ăn: Lấy 250gr ngải cứu, 2 quả lê, 20gr câu kỷ tử, 10gr đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.

- Trị cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh: Lấy 300gr ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2: Nấu lá thuốc cứu với 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá, 50gr lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.

- Muối ngải cứu giảm mỡ bụng: Dùng 1kg muối rang với một bó ngải cứu to cho đến khi ngải mùi, cho vào 1 chiếc túi nhỏ chườm bụng 2 lần mỗi ngày. Có tác dụng làm tan mỡ, mềm cơ bụng, giữ ấm, ngăn ngừa táo bón, các bệnh phụ khoa, đa lưng sau mang thai.

 

 

 

H.A (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe