Đây là loại quả giàu dinh dưỡng, thân thuộc với hầu hết người Việt. Nhiều người vẫn sử dụng hàng ngày nhưng chưa thực sự hiểu hết công dụng.
Đu đủ có tên khoa học là Carica papaya. Nguồn gốc xuất phát của >đu đủ là miền nam Mexico, miền đông Trung Mỹ và bắc Nam Mỹ. Hiện nay, loài cây này xuất hiện phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Sri Lanka, Philippines và Việt Nam.
Đu đủ là loại thực phẩm thông dụng. Quả đu đủ được sử dụng khi còn xanh như một loại rau (làm nộm, xào, nấu, hầm) hoặc ăn chín như một loại trái cây.
Theo Healthline, phần thịt đu đủ sống chứa 88% nước, 11% carbohydrate, chất béo và protein không đáng kể. 100g quả đu đủ cung cấp 43 kcal, 75% nhu cầu vitamin C, 10% nhu cầu vitamin E và folate hàng ngày.
Loại quả này cũng chứa alpha và beta-carotene, lutein và zeaxanthin, canxi, kali và lycopene, chất chống oxy hóa mạnh thường được liên kết với cà chua. Tuy nhiên, nhiều người không biết ngoài giá trị >dinh dưỡng, đu đủ có tác dụng gì với >sức khỏe.
Một số hợp chất được tìm thấy trong đu đủ chín và cả chưa chín được chứng minh là có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. Ví dụ, Papain được chứng minh là có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các khối u trong các nghiên cứu trên động vật. Trong khi đó, vitamin C và beta-carotene, cả hai đều được tìm thấy trong đu đủ, liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư khác nhau. Vì thế loại quả này được mọi người ví là “thuốc” chống ung thư cho nhà nghèo.
Theo Sức khỏe & Đời sống, đu đủ có tác dụng hạ đường huyết trong cơ thể, làm giảm lượng đường trong máu. Đu đủ cũng có chỉ số đường huyết thấp, có thể giải phóng đường tự nhiên một cách từ từ và không làm tăng hàm lượng đường huyết. Vì vậy, đây cũng là loại trái cây người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng.
Bạn sẽ có nguy cơ gãy xương cao nếu trong chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin K. Vitamin K có khả năng cải thiện quá trình hấp thụ canxi, đồng thời làm giảm hàm lượng canxi bị đào thải thông qua quá trình bài tiết.
Điều này có nghĩa là việc tiêu thụ đu đủ sẽ giúp cơ thể giữ lại được nhiều canxi hơn để củng cố và tái xây dựng cấu trúc xương. Do đó, tác dụng của quả đu đủ sẽ cung cấp lượng vitamin K dồi dào để duy trì sức khỏe xương khớp.
Trong đu đủ có chứa một loại enzyme gọi là papain giúp hỗ trợ tiêu hóa. Papain trên thực tế có thể được sử dụng như một chất làm mềm thịt.
Đu đủ cũng chứa nhiều chất xơ và có hàm lượng nước cao, cả hai đều giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.
Do chứa nhiều vitamin C, vitamin A và các flavonoid khác trong thành phần dinh dưỡng của đu đủ chín giúp giữ cho làn da khỏe mạnh và không có nếp nhăn. Nghiên cứu cho thấy, những chất dinh dưỡng này hoạt động như chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa sự hình thành gốc tự do và tổn thương oxy hóa cho da, cả hai đều được coi là một số nguyên nhân hàng đầu gây ra lão hóa da.
Đu đủ có chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng như: lutein, zeaxanthin, vitamin C và vitamin E, giúp bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh về mắt.
Zeaxanthin, một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong đu đủ có tác dụng lọc ra các tia sáng xanh có hại, giúp bảo vệ mắt và có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Ngoài quả, các bộ phận lá, hoa, hạt, rễ của cây đu đủ đều được sử dụng làm thuốc. Trong kinh nghiệm dân gian, lá đu đủ dùng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Nước hãm từ rễ dùng trong điều trị bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc. Chất carpaine từ lá đu đủ có tác dụng làm chậm nhịp tim.
Chất mủ trắng của đu đủ chứa một loại enzyme là papain. Papain có khả năng thủy giải protein, được sử dụng để làm mềm thịt, làm chất khử trùng để băng vết thương, dùng khi khó tiêu, nấm ngoài da, bệnh vảy nến, ung thư, trung hòa một số độc tố và toxalbumin.