Chuyên gia cho hay, cần lưu ý với các thực phẩm này để phòng tránh độc tố xyanua bên trong.
Xyanua là chất "độc nhất trong các chất độc"?
Thông tin từ Báo Dân Trí theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), >xyanua có thể là khí không màu, chẳng hạn như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanua clorua (CNCl), hoặc ở dạng tinh thể như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN). Xyanua đôi khi được mô tả là có mùi "hạnh nhân đắng", nhưng không phải lúc nào nó cũng phát ra mùi và không phải ai cũng có thể phát hiện ra mùi này.
Điều nguy hiểm là xyanua được giải phóng từ các chất tự nhiên trong một số thực phẩm và thực vật như >sắn, đậu lima và hạnh nhân. Hoặc chất này có trong hạt của các loại trái cây phổ biến, chẳng hạn như quả mơ, táo và đào. Thực tế, đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất xyanua có trong sắn.
Xyanua hoạt động như thế nào trong cơ thể?
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, sau khi tiếp xúc, xyanua nhanh chóng đi vào máu. Cơ thể xử lý một lượng nhỏ xyanua khác với lượng lớn.
Với liều lượng nhỏ, xyanua trong cơ thể có thể được chuyển hóa thành thiocyanate, chất này ít gây hại hơn và được bài tiết qua nước tiểu. Trong cơ thể, xyanua với lượng nhỏ cũng có thể kết hợp với một hóa chất khác để tạo thành vitamin B 12, giúp duy trì tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh.
Với liều lượng lớn, khả năng chuyển hóa xyanua thành thiocyanate của cơ thể bị hạn chế. Liều lượng lớn xyanua ngăn tế bào sử dụng oxy và cuối cùng những tế bào này sẽ chết. Tim, hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương dễ bị ngộ độc xyanua nhất.
Thực phẩm chứa Xyanua cần lưu ý
Theo VietNamNet, Xyanua được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như sắn, măng ở dạng glucosid là glycosid cyanogen (linamarin và lotaustralin). Dưới tác động của dịch vị và men tiêu hóa, các chất trên sẽ bị thủy phân và giải phóng ra axit cyanhydric.
Tại các cơ sở y tế, bác sĩ vẫn ghi nhận những trường hợp ngộ độc sắn, măng tươi. Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, nôn, tiêu chảy, đau bụng, một vài trường hợp có rối loạn thần kinh như biểu hiện nhức đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, người vật vã, run, co giật. Một số ít ca ngộ độc sắn có biểu hiện rối loạn nhịp tim.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trên VietNamNet, lượng xyanua khác nhau tùy theo giống sắn. Ví dụ, các loại sắn cao sản, sắn đắng chứa nhiều độc tố hơn. 3 phần cần loại bỏ của củ sắn là 2 đầu mẩu, lõi và đặc biệt là vỏ. Vì vậy, người dân không nên ăn các loại sắn cao sản, sắn lá đỏ, sắn cây thấp, sắn bị các vết cắt để lâu.
Xyanua trong sắn, măng dễ bay hơi, tan trong nước nên việc loại bỏ dễ dàng hơn. Người dân nên ngâm măng, sắn trong nước để loại bỏ độc tố này. Khi luộc sắn, măng, mở vung nồi để xyanua được bay hơi hết. Ông Thịnh cũng khuyến cáo không ăn măng hay sắn để quá lâu, không ăn măng muối xổi.