Trứng là thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể và được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, loại trứng nào mới mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn không phải ai cũng biết.

Chu Ngọc (t/h) 10:02 15/06/2024

Mặc dù có trọng lượng khá thấp nhưng >trứng gà được nhiều người mệnh danh là ‘siêu thực phẩm’. Bởi vì, trong trứng chứa nhiều protein, chất béo và khoáng chất cần thiết cho chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Trứng cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp no lâu nhờ vào hàm lượng protein cao. Ngoài ra, trứng còn chứa vitamin B1, vitamin B2, vitamin B12 và vitamin B6.Đây đều là nhóm chất >dinh dưỡng cần thiết giúp cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Ăn trứng gà lâu nay nhưng nhiều người vẫn luôn lầm tưởng trứng gà ta mang đến nguồn dinh dưỡng dồi dào hơn trứng gà công nghiệp. Thật ra, theo định lượng giá trị dinh dưỡng từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một quả trứng gà công nghiệp có giá trị dinh dưỡng vượt trội so với một quả trứng gà ta (trọng lượng 2 quả trứng cơ bản bằng nhau).

Theo đó, một quả trứng gà công nghiệp luộc cung cấp năng lượng là 67 kcal; Protein 5,8g; Lipid 4,7g; Canxi 26 mg; Sắt 1,27mg; Natri 74mg; Kali 83 mg; Kẽm 0,42mg. Một quả trứng gà ta luộc cung cấp năng lượng là 57 kcal; Protein 5,1g; Lipid 4,0g; Vitamin A 27mg; Canxi 19 mg; Sắt 0,9mg; Natri 61,2mg; Kali 68,1 mg; Kẽm 0,31mg.

Ảnh minh họa: Internet

Kết quả so sánh cho thấy gần như toàn bộ các thành phần dinh dưỡng của trứng gà công nghiệp điều cao hơn so với trứng gà ta. Duy nhất có hàm lượng vitamin A trong trứng gà công nghiệp gần như bằng 0, còn trứng gà ta là 27mg. Như vậy, nếu xét tổng thể hàm lượng dinh dưỡng, trứng gà công nghiệp cao hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng trong trứng gà được giữ nguyên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn trứng gà luộc. Vì khi luộc trứng giữ lại được nhiều dinh dưỡng nhất so với các cách chế biến khác. Đối với trứng kho, trứng rán hay trứng ốp, khi chế biến đều đã bỏ lớp vỏ, chế biến lâu hoặc dưới nhiệt độ cao nên sẽ bị mất nhiều dinh dưỡng, nhất là các vitamin và khoáng chất.

Tuy nhiên, luộc trứng để giữ lại nhiều dinh dưỡng cũng phải đúng cách và đúng kỹ thuật. Nên cho trứng vào luộc khi nước đang sôi để tránh bị vỡ, dập vỏ trứng. Để trứng chín lòng đào hoặc vừa chín tới, nên luộc với thời gian 6-7 phút tính từ khi thả vào nồi nước sôi.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên luộc trứng quá lâu vì dễ làm thất thoát dinh dưỡng bên trong. Ngược lại, nếu luộc chín không kỹ sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một số sai lầm khi bỏ đi lòng trắng trứng. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trong lòng trắng trứng không chứa chất béo và có lượng calo thấp hơn lòng đỏ nhưng lại chiếm hơn nửa trong tổng lượng protein của cả quả trứng. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như vitamin B3, kali, vitamin B2 và magie, tốt cho >sức khỏe chung.

Trong khi đó, lòng đỏ trứng ít protein hơn lòng trắng nhưng lại chứa phần lớn các vitamin A, B6, B12 và D, canxi, folate và omega-3, cung cấp cholesterol, axit béo thiết yếu. Vì vậy, lòng đỏ được cho là đậm đặc dinh dưỡng hơn, cung cấp khoảng 55 calo. Tốt nhất nên ăn cả phần lòng trắng và lòng đỏ trứng gà để tận dụng và hấp thu tối đa dinh dưỡng cho cơ thể.

Trứng còn giúp giảm cân hiệu quả. Vì trứng chứa nhiều Protein nên khi ăn sáng bằng trứng bạn sẽ có cảm giác no lâu hơn so với một số món ăn khác, chẳng hạn như bánh mì trắng hoặc ngũ cốc. Vì vậy, nếu ăn trứng vào bữa sáng có thể giúp giảm khoảng 270-470 kcal nạp vào trong bữa trưa và bữa tối.

Lưu ý, chỉ ăn một quả trứng có thể chưa đủ no. Người giảm cân nên ăn sáng với trứng kèm 1-2 lát bánh mì, rau xanh và hoa quả để đảm bảo đủ lượng calo và không có cảm giác đói.

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng ăn trứng làm tăng huyết áp và thừa cholesterol máu. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, người có bệnh lý mãn tính vẫn có thể ăn trứng theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần kiểm soát lượng cholesterol từ các nguồn thực phẩm khác khi ăn nhiều trứng nhất là mỡ động vật, nội tạng động vật, tránh thừa cholesterol gây các bệnh lý xơ vữa động mạch, mỡ máu…

Tuy đây là một loại thực phẩm khá nhiều dinh dưỡng nhưng chúng ta cùng không nên lạm dụng. Khuyến cáo chung cho tất cả mọi người thì không nên ăn quá 4 quả trứng/tuần với người trưởng thành, không mắc bệnh lý mãn tính nào.

Để chọn trứng an toàn chúng ta có thể soi trứng dưới ánh đèn điện.

- Trứng tươi là khi có màu hồng trong suốt, với một chấm hồng ở giữa. Túi khí có đường kính không quá 1cm, đường bao quanh cố định không di động.

- Trứng cũ là khi vết màu đỏ có nhiều đường vân, túi khí to hơn 1,5cm, túi khí càng to trứng càng cũ và có đường bao quanh di động.

- Trứng hỏng là khi màu sắc không đồng đều, do lòng đỏ bị vỡ dính vào vỏ. Có thể xuất hiện màu xám đục do trứng hỏng hình thành khí H2S.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra trứng mới hay cũ bằng mẹo đơn giản với 1 cốc nước lạnh:

Ảnh minh họa: Internet

- Trứng tươi là khi thả vào sẽ chìm xuống đáy và nằm ngang.

- Trứng cũ là khi thả vào nổi lơ lửng trong nước.

- Trứng hỏng khi thả vào sẽ nổi trên mặt nước.

Lưu ý: Mặc dù trứng là thực phẩm dễ sử dụng nhưng không phải kết hợp với món nào cũng được. Sau khi ăn trứng không nên uống trà, vì protein của trứng kết hợp với axit tannic của trà gây khó tiêu.

Ngoài ra, không nên ăn trứng kết hợp sản phẩm từ đậu nành vì sẽ ngăn cản quá trình hấp thu các chất. Hạn chế ăn trứng sống hoặc lòng đào vì có thể gây ngộ độc, nôn ói do vỏ trứng chứa các lỗ nhỏ li ti, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Tuy nhiên cũng không nên luộc trứng quá chín vì sẽ làm mất dưỡng chất.

Chu Ngọc (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe