Ăn trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn không đúng cách có thể làm mất giá trị dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
1. Ngâm trái cây quá lâu trong nước muối để làm sạch
Nhiều người có thói quen rửa trái cây bằng nước muối vì nghĩ rằng cách này sẽ làm sạch được hết hóa chất, bụi bẩn. Tuy nhiên, nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, không thể loại bỏ hóa chất. Chưa kể, ngâm hoa quả trong nước muối đậm đặc quá lâu có thể gây mất chất, làm hoa quả mất ngon, thậm chí, làm chất bẩn thẩm thấu ngược lại.
Trái cây sau khi mua về là có thể ngâm trong chậu nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo khoảng 10-15 phút. Sau đó, bạn vớt trái cây ra, rửa lại với nước sạch và để ráo. Cách này giúp loại bỏ được một lượng bụi bẩn và hóa chất bám trên bề mặt hoa quả.
2. Uống nước ép trái cây thay vì ăn miếng
Nước ép trái cây có thể là một lựa chọn để giải khát nhưng chúng không mang đến giá trị >dinh dưỡng cao như khi ăn trực tiếp. Một số loại trái cây sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng khi bị ép thành nước. Bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng cách ép một vài loại hoa quả cùng nhau nhưng tốt hơn hết là nên ăn trái cây trực tiếp.
3. Ăn trái cây thay bữa chính để giảm cân
Một số người chọn ăn trái cây thay thế cho bữa ăn chính trong ngày với mục đích giảm cân. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, đây là thói quen đi ngược lại quy tắc giảm cân lành mạnh. Thứ nhất, trái cây thiếu protein và axit béo thiết yếu cho cơ thể.
4. Chỉ ăn một loại trái cây trong thời gian dài
Nhiều người chỉ thích một vài loại trái cây nên ăn liên tục trong thời gian dài. Thói quen này dễ gây thừa và thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. Chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhiều loại trái cây cùng nhau để tối đa hóa lợi ích của chúng. Ăn trái cây tươi và ăn một cách khoa học sẽ mang đến hiệu quả cao hơn chỉ ăn một loại trái cây nhất định.
Nên ăn 2-3 loại trái cây theo mùa cùng nhau để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
5. Gọt sẵn trái cây để trong tủ lạnh
Một số loại trái cây như táo, cam, bưởi... cần giữ lớp vỏ nguyên vẹn để bảo toàn dinh dưỡng. Vitamin C, folate... trong trái cây sẽ mất dần dưới tác động của ánh sáng, không khí và nhiệt độ. Quá trình này sẽ tăng nhanh hơn khi vỏ bọc bên ngoài của trái cây bị phá vỡ. Bề mặt tiếp xúc với không khí của trái cây sẽ tăng lên khi bị cắt nhỏ ra.
Do đó, nên thưởng thức trái cây ngay sau khi gọt và cắt miếng để nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Gọt vỏ, cắt sẵn trái cây để trong tủ lạnh có thể làm cho quá trình oxy hóa và nhiễm khuẩn diễn ra nhanh hơn.