Đây là nguyên tắc nuôi dạy con của một bà mẹ 61 tuổi đến từ Hongkong tên Trần Mỹ Linh với 3 đứa con từng theo học tại ĐH Stanford – ngôi trường danh giá hàng đầu nước Mỹ khiến nhiều người thán phục.
Trần Mỹ Linh vốn là ca sĩ nổi tiếng của Hongkong. Từng theo đuổi danh tiếng và bỏ qua những giá trị hiện thực, cho đến khi nhận được lời khuyên răn từ bố mẹ rằng “Danh tiếng và tiền bạc giống như dòng nước chảy đến rồi đi, chỉ có học vấn mới là điều đáng quý nhất trong cuộc đời của con”, cô Mỹ Linh đã thay đổi và có được những thành công đáng nể trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.
Trong số những thành tựu ấy, thành tựu khiến cô tự hào nhất chính là việc cả 3 cậu con trai của mình đều đỗ vào ngôi trường ĐH Stanford hàng đầu nước Mỹ, từ cậu con cả đã tốt nghiệp hay cậu út vừa vào học cách đây không lâu.
Cô Mỹ Linh đã có những chia sẻ về bí quyết dạy con vô cùng đơn giản mà lại hiệu quả khiến người nghe vô cùng tâm đắc. Và những thành công khi dạy con đấy được đúc kết thành 10 nguyên tắc dưới đây:
1. Không so sánh con mình với con nhà người ta
Nếu so sánh quá nhiều sẽ khiến con mất tự tin, con sẽ không dám bộc lộ tiềm năng trước mặt bố mẹ. Nếu bố mẹ đánh giá thấp năng lực của con, con có thể sẽ đi gây gổ với con nhà người ta.
2. Phần thưởng cho con đừng nặng về vật chất
Trẻ con ham thích đồ chơi khoảng 2, 3 ngày. Sau đó, trẻ sẽ chán và vứt qua một bên, đồ chơi chưa bao giờ là bạn vĩnh viễn của trẻ con. Bố mẹ nên gợi ý những phần thưởng khơi dậy sự hứng thú đồng thời giúp kết nối các thành viên trong gia đình.
3. Không nên khắt khe thời gian biểu của con
Nhiều người mẹ dạy dỗ con sẽ thiết lập thời gian biểu cố định vào mỗi ngày. Trần Mỹ Linh nghĩ như vậy là quá khắt khe với con trẻ. Bí quyết của cô là không bắt con phân biệt rạch ròi giữa việc học và chơi, điều này giúp con cảm thấy chuyện học không hề đáng sợ.
4. Không để con tham gia quá nhiều lớp học ngoại khóa
Thay vì dành thời gian bắt con đến các lớp học ngoại khóa, cô khuyên các bậc làm cha mẹ nên đưa con đi chơi cùng gia đình, điều này sẽ tốt hơn cho sự phát triển của trẻ.
5. Không nên thay con quyết định
Cha mẹ nên để con tự quyết định mọi chuyện, ngay cả vấn đề chọn trường, cha mẹ đừng nên can thiệp và hãy tôn trọng quyết định của con.
6. Không nên phản đối chuyện yêu đương thời trung học
Khuyến khích con có bạn gái và có trách nhiệm với bạn gái, bởi tình yêu sẽ giúp con trẻ cảm nhận được yêu và cách yêu thương mọi người.
7. Không nên đánh mắng con
Đánh mắng con trẻ là điều không nên, thay vào đó giảng giải sai lầm của con là cách dạy dỗ đúng nhất.
8. Không nên nói dối con
Cha mẹ nên tuân thủ lời hứa với con trẻ, nếu không trẻ sẽ nghĩ cha mẹ là kẻ nói dối. Nếu con trẻ không còn tin vào lời hứa thì cuộc sống sau này của con sẽ rất cô đơn.
9. Không nên vì công việc bỏ rơi con
Thời gian mẹ ở bên trẻ chính là thiên đường, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ sau này.
10. Khi con đặt câu hỏi, không nên để con chờ đợi
Cha mẹ nên sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi của con, nếu gặp câu hỏi không biết đáp án, hãy cùng con tìm ra câu trả lời.
Những điều con trẻ cần ở cha mẹ
– Tôn trọng:
Chắc chắn rồi! Không ai muốn bị coi thường, con cũng vậy. Khổ nỗi cha mẹ hay phiên dịch ý tưởng này thành ra tôn thờ mới ‘ác’ chớ: muốn xe phân khối lớn, có ngay. Muốn tiền tiêu vặt, khỏi phải xin, 500 ngàn 1 ngày. Muốn MP3, điện thoại đời mới, laptop xịn, vô tư. Xin thưa: đó là ‘thờ”, không phải ‘trọng’! ‘Trọng’ là khi con thực sự cảm nhận được sự rằng ‘mình quan trọng, không có mình trong gia đình là không được’. Đằng này, cung phụng như thế đó nhưng ‘đang lo cho nó đi nước ngoài học, hy vọng nó sẽ biết thương cha mẹ hơn’, nghĩa là dạy không được nên ‘đẩy’ đi chỗ khác, hy vọng ở những nơi khác sẽ có cách giáo dục hiệu quả hơn để uốn nắn con mình!
– Công bằng:
Đương nhiên! Điều này thì toàn xã hội mong muốn chứ chẳng riêng cá nhân nào.
– Yêu thương:
Đây là nhu cầu cao nhất về tinh thần của con người mà. Nhưng xin đính chính rõ đó phải là một tình yêu vô điều kiện mới được. Chớ thương mà đặt ra điều kiện “con phải thế này, thế kia, thế nọ thì ba mẹ mới thương” hoặc “con mà như thế thì mẹ không thương con nữa” thì ớn lắm, ai mà thèm. Con trẻ không thích và cũng không cần loại yêu thương đó, vì nó mang tính ‘tiền trao cháo múc’, sòng phẳng quá!
– Vui vẻ:
Còn phải nói! Sống trong một không gian thiếu vui vẻ thì. . . ngán ngược tới đỉnh đầu luôn! Và sự ngán ngẩm đó sẽ như một động cơ phản lực thúc đẩy con mau mau đi tìm chỗ khác vui hơn.