Phụ huynh không thể chỉ bồi đắp tài năng cho trẻ. Vì thế, các chuyên gia tại ĐH Harvard đưa ra 6 bí quyết để dạy con thành người tử tế, giàu tình thương và có trách nhiệm.
1. Dạy con kiểm soát cảm xúc: Trẻ chịu tác động từ những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã, thất vọng. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý việc dạy con kiểm soát những cảm xúc này, không lãng phí nhiều năng lượng cho chúng. Khi trẻ mất bình tĩnh, phụ huynh nên dạy trẻ mẹo sau: hít thở sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng, đếm đến 5.
2. Dạy con có ý thức trách nhiệm về hành động của mình: Bố mẹ là hình mẫu để trẻ bắt chước làm theo. Họ cần nói với con về đạo đức, trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau và mọi người xung quanh, giải thích ý nghĩa của việc tự chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Quan trọng hơn, phụ huynh phải hành xử đúng như những gì họ nói và khuyến khích con làm điều tử tế.
3. Dạy con từ bi, giúp đỡ người yếu thế: Điều quan trọng, trẻ cần có lòng trắc ẩn không chỉ với người thân, bạn bè mà còn cả với tất cả người cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên thảo luận với con các biện pháp hỗ trợ người khác, dần dạy con có trách nhiệm xã hội.
4. Dạy con về lòng biết ơn: Trẻ cần cảm thấy thoải mái khi thừa nhận chúng biết ơn người khác hay điều gì đó. Phụ huynh nên bắt đầu từ những điều nhỏ như dạy con biết ôm bà, nói lời cảm ơn vì bà đã nấu cơm cho trẻ, dạy trẻ biết cảm ơn khi nhờ người khác giúp đỡ. Bố mẹ cũng nên cảm ơn lẫn nhau. Nghiên cứu khoa học cho thấy những người không ngại nói lời cảm ơn >sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn người khác.
5. Dạy con điều gì tạo nên hành vi tốt và thấm nhuần giá trị của gia đình: Phần lớn phụ huynh mong đợi con thành công trong học tập hoặc thể thao. Tại sao họ không có thái độ tương tự đối với hành vi đạo đức của trẻ? Để con thành người tử tế, bố mẹ cần xác định giá trị gia đình riêng, đảm bảo trẻ tuân thủ trong cả lời nói lẫn hành động. Việc này sẽ dễ hơn khi người lớn hướng dẫn con biết giữ lời hứa, tôn trọng người khác, có cách ứng xử phù hợp với đối tượng cụ thể như bạn học hoặc người làm trẻ khó chịu.
6. Dành thời gian cho nhau: Nếu phụ huynh chỉ dành thời gian cho trẻ khi nói về kỷ luật, việc này sẽ chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, họ nên xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau với con bằng cách trò chuyện, chơi với con, dành thời gian cùng nhau, đi du lịch, tất nhiên, đừng quên biểu đạt tình yêu với con. Những điều này giúp trẻ trở thành người tốt bụng, chân thành, hiểu tình yêu, sự tôn trọng, biết chia sẻ cảm xúc với người xung quanh.