Nhờ những bí kíp dạy tiếng Anh độc đáo mà cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Thơ đã giúp con gái mình nói trôi chảy tiếng Anh khi chỉ mới 4 tuổi.
- Bà mẹ giám đốc tiếc 100 nghìn mua gối cho con và chiêu "giả nghèo, giả lười"
- Bái phục cách giáo dục của mẹ Pháp: Con nghe lời răm rắp, không có chuyện ngoạc mồm ăn vạ ở nơi công cộng
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, 29 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh online tại Hà Nội. Trước đó cô từng công tác tại một số trung tâm.
Đối với nhiều ông bố, bà mẹ bỉm sữa, cô Thơ khá nổi tiếng vì có các phương pháp dạy con tiếng Anh hiệu quả ngay từ khi còn nhỏ. Facebook của cô hiện có hơn 7 nghìn người theo dõi và những bài đăng về phương pháp dạy tiếng Anh của cô đều rất được cộng đồng mạng quan tâm, yêu thích.
Bé Nguyễn Ngọc Hồng Anh, con gái cô Thơ năm nay mới 4 tuổi nhưng đã nói tiếng Anh rất trôi chảy nhờ được tiếp xúc ngoại ngữ song song với tiếng mẹ đẻ hàng ngày.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Thơ cho biết, cô thường cho con nghe các bài hát tiếng Anh từ trước năm 2 tuổi như: Super simple songs, Baby bum, Abc mouse,... Đồng thời trong cuộc sống sinh hoạt, cô hay nói một số khẩu lệnh tiếng Anh đơn giản với con như: "Turn on – Turn off the fan" – "Mở - Tắt quạt", "Give me the…" – "Đưa mẹ cái gì đó…".
"Sau sinh nhật 2 tuổi, mình mới chính thức dạy con tiếng Anh. Phương pháp mình áp dụng là phương pháp cận tự nhiên, giống như cách mình dạy tiếng Việt cho con", cô Thơ kể lại.
Dù bản thân là giáo viên tiếng Anh nhưng trước khi dạy con, cô Thơ cũng phải tham khảo qua rất nhiều sách vở, đồng thời xin thêm ý kiến, kinh nghiệm của giáo viên thời đại học.
Mỗi ngày, cô Thơ dành vài tiếng để nói chuyện bằng tiếng Anh với con, bắt đầu từ việc gọi tên các vật dụng gần gũi nhất như "chair" là ghế, "table" là bàn,… hay mô tả các hoạt động thường làm hàng ngày với con bằng tiếng Anh, chơi các game đóng vai.
Bé Hạnh nói chuyện bằng tiếng Anh với mẹ.
"Mình luôn tả bất cứ việc gì đang làm với con. Chẳng hạn như khi đang mở tủ lạnh, mình sẽ nói: "I'm opening the fridge to get some eggs" hay khi ngồi xuống ghế thì: "I'm sitting down on the chair". Thấy con đang bực, mình cũng bảo: "You really feel frustrated right now!".
"Ngoài ra, mình thường nhắc đi nhắc lại một từ tiếng Anh cho con nhớ. Chẳng hạn: This is a ball, ball, ball, ball, ball. I like this ball. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Mình thường diễn tả cơ thể triệt để khi tương tác với con. Ví dụ khi đưa quả táo lên miệng, muốn thể hiện việc thích ăn táo, mình sẽ nói "I like this apple a lot" cùng khuôn mặt hạnh phúc, liếm mép, cắn ăn sung sướng".
Một điều quan trọng mà cô Thơ nhấn mạnh là tuyệt đối không cho con xem màn hình điện thoại, tivi, máy tính, ipad,… trong khoảng thời gian dưới 2 tuổi vì trẻ sẽ phải chịu nhiều tác động xấu hơn là ích lợi.
Bé Hạnh 4 tuổi giờ nói tiếng Anh rất trôi chảy.
Trước năm 2 tuổi, vì ưu tiên hàng đầu là phát triển tiếng Việt cho con nên cô Thơ chưa cho bé Hồng Anh tiếp xúc với sách tiếng Anh. Nhưng sau năm 2 tuổi, cô Thơ bắt đầu mua nhiều sách tiếng Anh và đọc cho con mỗi ngày để con nghe quen và phát triển thêm về từ vựng, ngôn ngữ. Việc này được cô Thơ kiên trì làm mỗi ngày.
"Được tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày, lặp đi lặp lại nên bé nhà mình nhớ từ nhanh lắm. Khi nói tiếng Anh với con, mình cũng luôn tương tác ánh mắt, thể hiện sự thích thú quan tâm nên con có phản ứng ngược lại, luôn cố gắng nói chuyện bằng tiếng Anh với mình", cô Thơ hào hứng chia sẻ.
Cô Thơ khuyên các bậc phụ huynh khi dạy tiếng Anh cho con nên đi kèm các hành động cụ thể để con quan sát và hiểu ý nghĩa của từ. Như khi đến giờ đi ngủ, hãy chuẩn bị chăn màn, giường chiếu rồi nói với con "It's time to go to bed" (Đến giờ đi ngủ rồi).
Ngoài ra, bố mẹ cần quan tâm kỹ lưỡng đến sở thích của con. Nếu con thích vẽ thì bố mẹ sử dụng các hoạt động vẽ mỗi ngày để tương tác với con. Con thích ô tô thì hãy dùng ô tô để dạy con, mua sách về ô tô đọc cho con nghe, cũng như mở các chương trình tiếng Anh liên quan đến ô tô cho con nghe.
Đó là những cách mà cô Thơ đã áp dụng để nâng cao vốn từ vựng cũng như khả năng nghe nói tiếng Anh của con. Còn về vấn đề Ngữ pháp, cô Thơ cho biết cách dạy cho con biết nói cấu trúc câu đúng là lặp lại đầy đủ mỗi lời con nói.
Khi bé Hồng Anh nói "banana", cô Thơ sẽ lặp lại: "Yes, this is a yellow banana". Khi bé nói "milk", cô Thơ hỏi lại đầy đủ: "Do you want to drink milk"? Bên cạnh đó, khi con phát âm bất kỳ từ tiếng Anh nào, dù đúng hay sai thì cô Thơ luôn khen ngợi, tập trung vào nỗ lực của con thay vì cách phát âm. Điều này giúp cho bé Hồng Anh có thêm niềm yêu thích, hứng khởi với việc học ngoại ngữ.
Hiện tại bé Hồng Anh đã có thể nói tiếng Anh rất tốt, thậm chí có phần nhỉnh hơn tiếng Việt. Chia sẻ về điều này, cô Thơ cho biết, bản thân không hề lo lắng việc con sẽ bị mất cân bằng giữa tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, hay bị rối loạn ngôn ngữ.
"Ban đầu trẻ sẽ có hiện tượng trộn ngôn ngữ, tức là dùng cả tiếng Anh và tiếng Việt cùng 1 câu. Nhưng đây không phải rối loạn mà là bước phát triển tự nhiên. Điều này cho thấy trẻ biết chọn lọc từ quen thuộc hoặc từ dễ dùng để nói. Còn về vấn đề mất cân bằng ngôn ngữ thì bé nhà mình không gặp phải. Bé vẫn đang giao tiếp tiếng Việt với mọi người rất tốt. Nói chung trẻ song ngữ sẽ có một ngôn ngữ trội hơn không ít thì nhiều", cô Thơ nhận định.
Nói về những kỉ niệm đáng yêu trong quá trình dạy tiếng Anh cho con, cô Thơ chia sẻ lại một chuyện khá thú vị. Một lần bé Hồng Anh đi cafe với bạn bè của mẹ, khi có một chú đứng lên tìm nhà vệ sinh thì bé hỏi đi đâu. Lúc đó, mẹ Thơ đã trả lời con là: "Đi pee pee con ạ" (Pee nghĩa là đi tè).
"Con bé lúc đó đứng dậy phát biểu hùng hồn. He's going pee pee. He has a penis. I have a vagina. The boy has a penis, the girl has a vagina". (Chú sắp đi tè. Chú có dương vật, con có âm đạo. Con trai có dương vật, con gái có âm đạo). Vì cô Thơ hay dạy cháu về vùng kín của nam nữ, cách em bé được tạo ra nên bé Hạnh hồn nhiên phát biểu trước mặt cô chú và khiến mọi được một tràng cười vỡ bụng.
Lúc đấy bé Hồng Anh mới có 29 tháng tuổi nhưng đã nhớ được rất nhiều từ, đồng thời nói tiếng Anh trôi chảy như người lớn.
Hiện tại, bé Hồng Anh 4 tuổi và khả năng nói còn tốt hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, nếu tiếng Anh của bố mẹ chưa được tốt thì cần học phát âm rõ ràng trước, tránh nói sai mà lại đi nói chuyện với con thì sẽ khiến con bị nhiễm cái sai đó. Đồng thời, bố mẹ không nên nói tiếng Anh rồi dịch lại sang tiếng Việt và tránh dùng lẫn lộn hai ngôn ngữ.