Làm mẹ cõ lẽ là công việc khó nhất trên đời mà không phải ai cũng có thể đảm đương nếu như chưa nắm rõ những kĩ năng cơ bản này.
Làm mẹ là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên để làm mẹ tốt và có thể chăm sóc em bé một cách chu đáo nhất, người phụ nữ cần học thêm rất nhiều kĩ năng về chăm sóc trẻ và tự chăm sóc bản thân, nhất là khi bạn vừa mới có đứa con đầu lòng. Đây chỉ mới là sự khởi đầu của việc nuôi nấng con nên người, vậy nên nếu những khởi đầu này thuận lợi sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của con sau này. Nếu vẫn còn bỡ ngỡ và chưa biết bắt đầu từ đâu, mẹ hãy ghi nhớ 11 kĩ năng cơ bản sau đây:
1. Kĩ năng bế trẻ sơ sinh
Lần đầu làm mẹ chắc hẳn sẽ có nhiều chị em phụ nữ không biết phải bế bé sao cho đúng tư thế, vừa không làm bé khó chịu vừa tránh mẹ bị gồng mình quá sức. Mẹ cần lưu ý, bộ phận yếu nhất và cần tập trung nâng đỡ đầu tiên của trẻ sơ sinh chính là phần đầu-cổ. Mẹ cần đặt một tay ngay phía dưới đầu bé, tay còn lại đỡ mông bé.
Trẻ mới sinh nên thóp thở còn mềm, chưa đóng hết, mẹ cần cẩn thận và tránh va chạm vào thóp thở và các điểm mềm khác trên đầu của bé. Luôn bế bé gần với ngực của mẹ nhất, vừa giúp giữ bé an toàn vừa tạo cảm giác được che chở, bảo vệ cho bé.
2. Kĩ năng tự chăm sóc bản thân
Tháng đầu tiên sau khi sinh bé là khoảng thời gian quan trọng với cả mẹ và bé. Điều quan trọng là người mẹ phải tự chăm sóc bản thân để có thể >chăm sóc con nhỏ một cách tốt nhất.
Mẹ nên sắp xếp và chuẩn bị cho mình chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất để cho bé bú và giữ >sức khỏe cho bản thân. Hãy cố gắng ngủ cùng mỗi khi bé ngủ để đảm bảo mẹ không bị mất ngủ, thiếu ngủ, mệt mỏi vì bận trông bé.
3. Kĩ năng quấn cho bé
Đầu tiên, mẹ gấp một mép khăn quấn để tạo thành hình viên kim cương, đặt bé lên mặt khăn, quấn một cạnh khăn với phần thân và một tay rồi kẹp dưới lưng bé. Tiếp tục lấy phần dưới của tấm khăn, gấp ngược lên phía trên bàn chân và nhét sau vai. Cuối cùng gấp nốt phần cạnh khăn còn lại và tay kia sao cho thật gọn gàng rồi nhét xuống dưới thân bé. Việc quấn khăn đúng cách sẽ giúp bé yên tâm hơn vì được bảo bọc an toàn như khi còn trong bụng mẹ, bé sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon.
4. Các tư thế cho bé bú
Những ngày đầu sau khi sinh, nguồn sữa mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho bé. Tuy nhiên mẹ và bé có thể gặp phải một số khó khăn khi cho con bú như đầu vú mẹ quá ngắn, mẹ ít sữa, bé đòi bú quá nhiều, mẹ bị tắc tia sữa, nhiễm trùng vú... Trong đó, mẹ cần đảm bảo và không được bỏ qua kĩ năng lựa chọn tư thế đúng khi cho con bú, bởi việc chọn đúng tư thế sẽ giúp bé thoải mái bú được no sữa mà mẹ vẫn tranh thủ nghỉ ngơi được.
5. Giúp bé ợ hơi
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, bé rất dễ bị đầy bụng sau khi ăn bú. Mẹ cần biết thao tác vỗ lưng giúp bé ợ hơi, thải ra hết khí thừa trong dạ dày để bé cảm thấy dễ chịu hơn, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi sinh. Mẹ bế bé vác trên vai, người bé áp vào ngực mẹ, cằm bé dựa vào vai mẹ, chú ý giữ đầu và cổ bé ngả vào vai mẹ. Sau đó mẹ dùng tay xoa hoặc vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé để đẩy hết khí ra.
6. Xử lý khi trẻ bị hóc, sặc
Khi phát hiện trẻ bị hóc nghẹn, mẹ cần áp dụng thao tác khai thông đường thở, đẩy dị vật ra khỏi đường thở của trẻ bằng cách đặt trẻ úp lên đùi, đầu hơi chúc xuống dưới. Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức để đẩy dị vật ra.
7. Kĩ năng mát-xa cho bé
Để thực hành xoa bóp, mát xa cho bé, mẹ làm theo các bước sau: Đặt em bé lên tấm khăn trên mặt phẳng rộng rãi như giường, bắt đầu xoa bóp toàn thân bé bằng dầu thực vật. Mát xa từ chân, rồi đến cánh tay, sau đó là ngực và cuối cùng là lưng của em bé.
8. Kĩ năng tắm bé
Điều quan trọng đầu tiên là trẻ sơ sinh chỉ cần tắm bằng xà bông nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên sau khi chào đời. Sau khi bé rụng rốn và rốn hoàn toàn khô ráo thì mẹ mới nên cho bé tắm ngập trong chậu hoặc bồn tắm. Trước khi tắm cho bé, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước tắm, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng để tắm cho bé, tuyệt đối không để bé một mình trong chậu tắm.
9. Cách dỗ con ngủ
Do có sự thay đổi lớn từ không gian tối và ẩm trong bụng mẹ cho đến bầu không khí ngập ánh sáng và tiếng ồn bên ngoài, bé chưa thể làm quen ngay lập tức. Ban ngày mẹ cố gắng giữ cho căn phòng sáng sủa, thoáng mát và tắt đèn vào ban đêm để giúp bé phân biệt được giữa ngày và đêm. Không giao tiếp bằng mắt hay nói chuyện cùng bé khi đi ngủ. Có như vậy, bé sẽ dần đi vào giấc ngủ và có quy củ hơn.
10. Kĩ năng thay bỉm/tã
Khi bé chưa rụng rốn, mẹ tuyệt đối không để tã chạm vào hoặc đè lên cuống rốn. Khi vệ sinh cho bé, mẹ cần lau sạch từ trước ra đến phía sau, đặc biệt là bé gái để tránh nhiễm khuẩn vào vùng kín của bé. Lau khô tước khi đóng tã, bỉm mới cho bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu bị hăm da, tấy đỏ cần tháo bỏ bỉm, tã, bôi kem chống hăm cho đến khi bé khỏi hẳn thì mới tiếp tục dùng tã, bỉm.
11. Luôn gần gũi bên con
Để tạo ra sợi dây tình cảm bền chặt ngay từ những năm tháng đầu đời, mẹ hãy tăng cường ốm ấp, vỗ về và thực hiện da kề da với bé. Tầm nhìn của bé còn hạn chế, chỉ khoảng 30cm, nên mẹ hãy lại gần, mỉm cười và nói chuyện với bé. Mẹ có thể hát ru cho bé nghe, chơi trò chơi cùng bé, mát xa cho bé. Tận dụng mọi cơ hội để gần gũi bé nhiều hơn sẽ giúp mối liên kết mẹ và bé được củng cố và phát triển theo năm tháng.