Qua điều tra và làm việc với các nạn nhân bị lừa sang Campuchia đã hoặc chưa được chuộc về, bước đầu lực lượng chức năng đã xác nhận có đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch.
- Người thân nhận tro cốt nam thanh niên quê Cà Mau tử vong ở Campuchia
- Xót xa lời kể của thai phụ tháo chạy khỏi casino ở Campuchia
Theo thông tin báo Công an TP. Đà Nẵng, trong 2 ngày 20 và 21/9, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Đắk Nông liên tiếp nhận được 3 đơn đề nghị giải cứu của gia đình 3 nạn nhân ở H. Cư Jút và H. Đắk Mil khi bị dụ dỗ, lừa bán và cưỡng ép lao động tại Campuchia.
Tính đến ngày 22/9, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 26 người dân bị dụ dỗ, lừa phỉnh sang làm việc tại Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” trong đó có 15 trường hợp đã được các lực lượng chức năng giải cứu và gia đình bỏ tiền ra chuộc về với mức tiền từ 67 - 230 triệu đồng/người.
Cụ thể, gia đình bà Phạm Thị T. (trú H. Đắk Song) vô cùng lo lắng khi người con trai út là Lý Văn L.(2004) bị lừa sang Campuchia làm việc. Gia đình bà T. không thể gọi điện cho con trai. Lâu lâu, bà T. nhận được vài cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội của đối tượng lạ, hối thúc gia đình nộp tiền để chuộc con. Tuy nhiên, do chưa liên lạc được với con để biết con mình có bình an hay không nên gia đình bà chưa chuyển tiền cho đối tượng…
Một trường hợp khác được giải cứu trở về từ Campuchia anh Nông Văn T. (1992, trú H. Đắk Glong). Mới đây, ngày 22/9, anh đã đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Đắk Nông tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng. Theo tường trình của anh T., đầu tháng 3/2022, anh lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được 1 tài khoản Facebook giới thiệu, hướng dẫn làm việc liên quan đến máy tính của một Công ty tại Campuchia với mức lương từ 800 đến 1.000 USD/tháng.
Ngày 16/3/2022, anh T. xuất cảnh sang Campuchia (mọi chi phí do Công ty bên Campuchia chi trả). Khi đến Phnôm Pênh, anh T. được các đối tượng đưa đến làm việc tại 1 công ty do người Trung Quốc quản lý và điều hành. Công việc hằng ngày của anh T. là tư vấn, thu hút người chơi game, đánh bạc trực tuyến và các app kinh doanh, buôn bán với hình thức lừa đảo người tham gia ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Việt Nam...
“Sang bên đó, tôi và nhiều người khác bị ép buộc làm việc, không được trả lương và bị đánh đập. Làm việc được 1 tháng thì tôi bị công ty bán cho 1 công ty khác (hình thức kinh doanh tương tự). Trước khi bán Công ty thông báo, nếu ai muốn về Việt Nam thì liên hệ gia đình đưa cho chúng khoảng 200 triệu đồng để chuộc… Đến tháng 5/2022, không chịu được cảnh làm việc cơ cực, bị đe dọa, đánh đập nên thông qua mạng xã hội, tôi đã nhờ các lực lượng chức năng của Campuchia và Việt Nam đến giải cứu cùng với 4 người khác. Tôi mong mọi người hãy cảnh giác đừng nghe, đừng tin theo những chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo của kẻ xấu...” - anh T. chia sẻ.
Trước nhiều trường hợp bị lừa bán sang Campuchia trên địa bàn, Trung tá Trịnh Ngọc Dũng- Phó trưởng Công an huyện Đắk Song cho hay, vì thiếu thông tin, lại nhẹ dạ, cả tin nên thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã dính “bẫy” bởi chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều người may mắn được các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu hoặc được gia đình bỏ tiền chuộc. Sau khi trở về Việt Nam, họ đã đến cơ quan Công an trình báo và lên án hành vi lừa đảo của các đối tượng.
Nói về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, Thiếu tá Nguyễn Văn Phương- Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội Facebook và lập nhiều tài khoản ảo. Đặc biệt, với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng dùng chính các công dân Việt Nam bị dụ dỗ, ép buộc xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia để nhắn tin về Việt Nam tìm kiếm “con mồi” tiếp tục dụ dỗ xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia hoặc dụ dỗ tham gia các trò chơi trực tuyến sau đó chiếm đoạt tiền...
“Người dân cần nêu cao cảnh giác, không nghe, không tin những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của kẻ xấu với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, tránh bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản, đồng thời chủ động phát hiện và kip thời trình báo với lực lượng Công an và các ngành chức năng khi phát hiện các biểu hiện bất thường của kẻ xấu” - Thiếu tá Phương khuyến cáo.
Không chỉ ở Đắk Nông, theo thông tin của báo Thanh Niên, Công an tỉnh Quảng Ngãi phát thông báo, từ tháng 1/2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của 8 trường hợp là công dân trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc.
Thủ đoạn chung mà các nạn nhân bị lừa là dính vào các bẫy quảng cáo "việc nhẹ lương cao" trên các mạng xã hội. Những lời giới thiệu việc làm với mức lương cao này rất thu hút các thanh thiếu niên chưa có việc làm ở vùng nông thôn. Khi đồng ý với lời giới thiệu việc làm, các nạn nhân sẽ được hướng dẫn di chuyển từ Quảng Ngãi vào TP.HCM rồi lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đi đường mòn, lối mở sang Campuchia. Ngoài ra, có trường hợp được đặt vé máy bay để di chuyển vào TP.HCM, được hướng dẫn thủ tục làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Campuchia.
Sau khi sang Campuchia, người lao động được đưa về các cơ sở và hàng ngày phải sinh hoạt trong khuôn viên khép kín, đồng thời bị ép buộc thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; nếu không thực hiện theo yêu cầu thì sẽ bị đe dọa, đánh đập, không cho ăn uống hoặc bị bán qua cơ sở khác.
Nếu các lao động muốn quay về VN thì phải liên lạc với người thân tại VN để chuyển tiền chuộc, với số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi người, trong đó có trường hợp đã chuyển tiền chuộc nhưng vẫn chưa được về VN.
Hiện Công an tỉnh Quảng Ngãi đã giải cứu được 3 trường hợp bị lừa đảo giới thiệu sang Campuchia làm việc trở về nhà. Tuy nhiên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn, do các nghi phạm, nạn nhân liên quan đều ở tại Campuchia.
Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội, nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc như: tên công ty, địa chỉ nơi làm việc, công việc cụ thể, kiểm tra tính xác thực của những thông tin này trước khi đến làm việc.
Đồng thời, thông tin đến người thân trong gia đình và những người xung quanh biết để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa giới thiệu việc làm, nhất là con em trong độ tuổi thanh thiếu niên đang có nhu cầu tìm việc làm.