Thời điểm cuối năm, gần Tết là lúc người lao động (NLĐ) thường chọn phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để có tiền mua sắm, chi trả các khoản. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 2 lý do không nên rút BHXH dịp cuối năm.
- Lợi dụng nhu cầu việc làm, đối tượng ‘nổ’ có người quen chiếm đoạt hơn nửa tỉ đồng của người dân
- Bình Phước: Đã bắt giữ đối tượng dùng xe cuốc phá sập 2 căn nhà trong đêm do mâu thuẫn làm ăn
1. Thời gian giải quyết hồ sơ và chi trả tiền BHXH 1 lần trên thực tế thường lâu hơn so với quy định.
Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, NLĐ sau khi nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng BHXH 1 lần cho cơ quan BHXH thì sẽ được giải quyết chế độ trong tối đa 5 ngày làm việc.
Thực tế, NLĐ thường không được chi trả tiền BHXH 1 lần đúng hạn vào thời điểm cuối năm, thậm chí, có địa phương, người lao động phải chờ cả tháng mới nhận được tiền BHXH 1 lần.
Lý do bởi vì vào dịp cuối năm, cơ quan BHXH bận rộn nhiều công việc liên quan đến báo cáo năm. Cùng với đó, số lượng người lao động đề nghị hưởng BHXH 1 lần ở thời điểm này cũng khá nhiều vì cận Tết, người lao động cần tiền để chi tiêu, sắm sửa.
Chính vì vậy, việc giải quyết chế độ BHXH 1 lần cho người lao động dịp cuối năm thường bị trễ hẹn so với thời gian mà pháp luật quy định.
2. Chọn rút BHXH một lần vào cuối năm, số tiền NLĐ nhận được sẽ thiệt hơn so với năm sau
Hiện nay, tiền BHXH 1 lần được xác định theo thời gian đóng BHXH và mức tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Cụ thể cách tính BHXH 1 lần như sau:
- Trường hợp đóng BHXH bắt buộc:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH từ 2014)
Trong đó, Mbqtl là Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH từ 2014) - Số tiền Nhà nước hỗ trợ
Trong đó, Mbqtn là Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó, mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động sẽ được tính thêm hệ số trượt giá để hạn chế tác động của sự lạm phát đối với số tiền đóng BHXH ở những thời kì trước.
Cụ thể:
Mbqtl/Mbqtn = (Số tháng đóng BHXH x Tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Hệ số trượt giá) / Tổng số tháng đóng BHXH
Mỗi năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều ban hành Thông tư mới quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (còn gọi là hệ số trượt giá). Hệ số trượt giá của năm sau sẽ cao hơn năm trước, tương ứng với đó số tiền BHXH được nhận của năm sau sẽ cao hơn năm trước.
Thông tư về hệ số trượt giá thường được ban hành cuối năm trước nhưng phải bắt đầu bắt đầu từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 của năm sau mới được áp dụng.
Do đó, để được tính hệ số trượt giá của năm mới, người lao động không nên rút BHXH 1 lần vào thời điểm này. Nếu có thể chờ thì người lao động nên chờ sang năm rồi mới rút BHXH để có được tính thêm tiền BHXH 1 lần. Tùy vào thời gian mà mức tiền lương/thu nhập đóng BHXH của mỗi người mà số tiền được tính thêm có thể dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.
3. Thời điểm có lợi nhất nếu NLĐ chọn rút BHXH một lần
Hiện nay mặc dù Thông tư quy định về hệ số trượt giá mới thường được công bố vào cuối năm trước nhưng thời điểm có hiệu lực của nó lại thường rơi vào tháng 2 của năm áp dụng.
Ví dụ điển hình có thể kể đến Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 31/12/2021 quy định về hệ số trượt giá áp dụng cho năm 2022 nhưng hiệu lực của văn bản này lại từ ngày 20/02/2022.
Mặc dù quy định về hệ số trượt giá áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 của năm Dương lịch nhưng nếu văn bản chưa có hiệu lực và chưa có công văn hướng dẫn của BHXH Việt Nam, các cơ quan BHXH sẽ tạm thời chưa tính hệ số trượt giá mới cho những trường hợp rút BHXH 1 lần trong thời gian từ ngày 1/1 đến ngày Thông tư mới có hiệu lực.
Tiền trượt giá sẽ được trả lần hai cho người lao động ngay sau khi có văn bản hướng dẫn.
Chính vì vậy để đảm bảo được nhận tiền BHXH 1 lần một cách đầy đủ và nhanh chóng, người lao động nên rút BHXH 1 lần vào khoảng tháng cuối tháng 2 năm sau.