Trong việc trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội, chuyện nhận lại con, đòi bồi thường liệu có gặp khó?
- Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Rớt nước mắt vì lời con trẻ
- Người mẹ bị trao nhầm con ở Ba Vì: “Hàng ngày tôi dạy con đánh vần tên bố mẹ ruột”
Liên quan đến vụ trao nhầm con tại Ba Vì, Hà Nội cho 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, xã Tây Đằng) và chị Vũ Thị Hương (29 tuổi, xã Phú Sơn), ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV đa khoa Ba Vì cho biết, vụ việc xảy ra năm 2012, từ thời giám đốc cũ.
Tháng 3/2018, 2 gia đình đồng thuận gửi mẫu đến Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để xét nghiệm. Kết quả trả vào tháng 5 khẳng định, có sự nhầm lẫn con giữa 2 gia đình. Sau khi rà lại hồ sơ, phía BV cũng đã thừa nhận trao nhầm con.
Trao đổi với VietNamnet, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn, bản án có hiệu lực pháp luật vẫn ghi nhận cháu bị trao nhầm là con chung trong thời kỳ hôn nhân.
Do vậy, để hoàn thiện các bước pháp lý trong việc nhận lại con, cần làm thủ tục tái thẩm theo quy định tại điều 352, khoản 1, bộ luật Tố tụng dân sự. Việc tái thẩm nhằm mục đích xác định lại con, mặc dù trong thời kỳ hôn nhân, nhưng không phải con chung.
Sau khi xác định rõ về huyết thống trong bản án tái thẩm tại TAND TP Hà Nội, các bên mới đủ điều kiện khởi kiện vụ án mới, tuỳ tình hình thực tế mà căn cứ vào điều 28, khoản 4, hoặc điều 29, khoản 10, bộ luật Tố tụng dân sự để yêu cầu Tòa án huyện Ba Vì giải quyết.
Về việc đòi bồi thường thiệt hại trong chuyện trao nhầm con, luật sư Chi cho rằng, theo nguyên tắc chung, bên bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại và có yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo báo chí đưa tin, phía bệnh viện có thừa nhận trao nhầm con. Nếu đúng vậy, khả năng bệnh viện phải liên đới chịu trách nhiệm vật chất với các hậu quả các bên chứng minh và tòa án chấp nhận.
Vẫn theo luật sư Chi, việc bồi thường có thể áp dụng theo quy định tại điều 1, luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Vì nếu xét theo bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của luật Dân sự, lại chỉ áp dụng cho cá nhân thì không thỏa đáng lắm.
Điều 1 luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước: Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Điều 2. Đối tượng được bồi thường: Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại luật này.