“Gần Tết có một người bạn gửi cho tấm ảnh hình đứa bé giống tôi nên tôi cũng nghi ngờ. Sau đó, vợ chồng tôi đến tận nhà cháu bé xin mẫu đi xét nghiệm AND thì có kết quả giống tôi”, anh Sơn nói.
- Người mẹ bị trao nhầm con ở Ba Vì: “Hàng ngày tôi dạy con đánh vần tên bố mẹ ruột”
- Những kinh nghiệm "sống còn" mẹ sắp sinh phải biết để tránh bị trao nhầm con
Xoay quanh câu chuyện hai gia đình phải chịu nhiều cay đắng sau khi phát hiện sự thật BV đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 6 năm, ngày 13/7, tại ngôi nhà của gia đình, vợ chồng anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn không giấu hết nỗi mệt mỏi, lo lắng.
Thường xuyên cãi nhau vì con không giống
Chị Phùng Thị Thu Hiền là người đang nuôi dưỡng con trai ruột của chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Còn Đoàn Nhật M. (chị Hương đang nuôi) cùng huyết thống với vợ chồng chị Hiền.
Trước khi sự thật được phát hiện, gia đình chị Hương rơi vào cảnh đổ vỡ, còn vợ chồng chị Hiền cũng lục đục, cãi vã thường xuyên.
Sau khi đón con từ bệnh viện về nuôi, bé Phùng Thanh H. không giống cha mà cũng chẳng giống mẹ. Con càng lớn chị Hiền càng chịu nhiều điều tiếng và áp lực khi chồng, gia đình chồng và những người xung quanh luôn nghi kỵ, bàn tán xôn xao về cậu con trai mà chị đã sinh cách đây 6 năm
“Việc bệnh viện trao nhầm con cho gia đình tôi 6 năm trước đến gần đây mới phát hiện đã gây rất nhiều rắc rối cho tôi cũng như người thân trong gia đình. Cháu Phùng Thanh H. mỗi ngày một lớn thì ngoại hình cũng từng ngày thay đổi và không hề giống bất kỳ ai trong gia đình. Điều này khiến nhiều người "nghi kị" về phẩm hạnh của tôi”, chị Hiền tâm sự.
Theo chị Hiền, khi phát hiện sự thật cháu H. không phải con ruột của mình, vợ chồng chị bị sốc, không dám tin vào sự thật, không dám tin là có sự nhầm lẫn này.
“Tôi thật sự xót cho 2 đứa trẻ, xót cho chính con ruột mình. Bây giờ chỉ mong muốn có thể đưa 2 cháu về đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt. Suốt 6 năm qua, chúng tôi yêu thương, chăm sóc cháu, nhưng bản thân tôi chịu những áp lực vô hình. Vợ chồng tôi nhiều lần cãi nhau cũng bởi con không giống bố mẹ và người thân.
Chỉ đến khi, chúng tôi phát hiện bức ảnh con chị Hương đăng trên facebook có những đặc điểm giống với người trong gia đình, chúng tôi đi tìm hiểu và xét nghiệm mới hay con mình đã bị trao nhầm. Thông tin này giúp tôi giải tỏa được áp lực, những hoài nghi và sắp tới tôi sẽ được gặp con”, chị Hiền trải lòng.
Bệnh viện làm sự việc trở nên phức tạp
Kể về câu chuyện của gia đình mình anh Phùng Giang Sơn cho biết, từ khi phát hiện sự việc, gia đình cố gắng tìm nhiều cách để liên lạc, giải quyết mong 2 cháu được về đoàn tụ với gia đình, để bù đắp những tổn thất cho các cháu.
Tuy nhiên, khi liên hệ với BV Đa khoa huyện Ba Vì để giải quyết công tâm thì BV càng làm sự việc trở nên phức tạp hơn.
“Trước đó 2 bên gia đình đã có sự thống nhất, nhưng khi bệnh viện vào cuộc làm công tác tư tưởng cho cả hai bên gia đình thì mối quan hệ giữa hai gia đình đi xuống trầm trọng. Tôi gọi cho gia đình bên kia thì không còn liên lạc được và sau đó nhiều lần liên lạc với phía bệnh viện cũng không được.
Gần nhất đại diện bệnh viện thông báo với gia đình là không có cách nào giải quyết sự việc ổn thỏa nên tôi mới viết đơn lên tòa án và Bộ Y tế”, anh Sơn nói.
Chia sẻ thêm, người cha cho biết, việc phát hiện này là hoàn toàn tình cờ.
“Gần Tết có một người bạn gửi cho tấm hình đứa bé giống tôi nên tôi cũng nghi ngờ. Sau đó vợ chồng tôi đã đến tận nhà cháu bé rồi xin mẫu đi xét nghiệm AND thì có kết quả giống tôi. Tôi chưa tin nên đi xét nghiệm thêm lần nữa, cũng có kết quả như vậy nên mới báo cho gia đình và thuyết phục vợ tôi đi xét nghiệm cùng.
Song song đó tôi cũng đến gia đình chị Hương để thuyết phục gia đình cùng đi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm làm ai cũng bất ngờ”, lời anh Sơn.