Kinh nghiệm từ những nước trong khu vực, khi tỉ suất sinh bị kiểm soát quá lâu và bị giảm sâu sẽ rất khó để vực lên được. Lúc đó, Việt Nam sẽ đối diện với tình trạng dân số già và hệ lụy kéo theo là quá lớn.
- Vụ mẹ ruột lấy ghế nhựa đập liên tiếp vào đầu con gái: Sự thật phía sau câu nói "Mẹ đánh chết con đi, đánh chết con cũng được"
- Người lao động tái nhiễm Covid-19 có được hưởng chế độ quyền lợi từ BHXH không?
Dự án xây dựng Luật Dân số đang được Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 năm 2023 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Tờ trình về dự án Luật Dân số của Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp đề xuất khá cụ thể quy định về duy trì mức sinh thay thế và về số con cũng như nhiều nội dung quan trọng khác.
Vợ chồng có quyền quyết định về số con
Theo đó, tại phiên họp thẩm tra Dự án Luật Dân số năm 2018, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng để có thể hài hòa nhu cầu quản lý của nhà nước và của cá nhân cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia, Dự án Luật cần bổ sung thêm phương án không quy định số con trong dự thảo Luật và đánh giá tác động kỹ lưỡng theo các phương án để các vị Đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Bộ Y tế đã chỉnh lý, hoàn thiện nội dung theo giải pháp đã được Chính phủ thống nhất là mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời bổ sung thêm giải pháp quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con như nội dung Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003.
Quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con là chính sách nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức, xã hội và người dân do liên quan đến quyền sinh sản của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân.
Theo Bộ Y tế, ưu điểm của giải pháp trên là phù hợp với Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời vẫn thực hiện đúng tinh thần Pháp lệnh Dân số, một mặt không quy định nghĩa vụ pháp lý của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh một hoặc hai con. Mặt khác vẫn đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Quy định trên còn giúp tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số quốc gia đang phải đối mặt.
Bắt buộc nam, nữ đi khám sức khỏe trước khi kết hôn
Ngoài ra, một chính sách lớn đáng chú ý được đưa ra trong dự án Luật Dân số là đề xuất quy định nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi kết hôn phải thực hiện tư vấn, khám sức khỏe bao gồm những nội dung liên quan đến bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ sơ sinh. Các đối tượng nam, nữ trước khi kết hôn được xem xét hỗ trợ chi phí tư vấn, khám sức khỏe theo quy định của Chính phủ.
Giải pháp này có ưu điểm:
- Phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mang thai, sinh đẻ, nuôi con để điều trị kịp thời, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và con sinh ra khỏe mạnh.
- Giảm gánh nặng kinh phí của Nhà nước, gia đình trong việc điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ sinh ra do được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn.
- Quy định nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp thống nhất trong việc tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, Dự án Luật Dân số cũng khuyến khích phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh trên nguyên tắc tự nguyện.
Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình phải bắt buộc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được xem xét hỗ trợ chi phí tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh theo quy định của Chính phủ.
Giải pháp này có ưu điểm:
- Góp phần giảm nhanh tỉ lệ trẻ em sinh ra bị mắc bệnh, tật bẩm sinh, mang lại hạnh phúc cho gia đình và lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; nâng cao chất lượng dân số.
- Giảm gánh nặng kinh phí của Nhà nước, gia đình trong việc điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng cho người bệnh do được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm trước sinh và sơ sinh.
- Khi giảm số trẻ bị bệnh, tật sẽ giảm gánh nặng cho gia đình, trước hết là phụ nữ; tạo điều kiện để phụ nữ hoạt động kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực, thu nhập…
- Giảm hàng vạn lao động phải nghỉ việc phục vụ con cháu bị ốm đau, bệnh tật; tạo điều kiện để lao động làm việc tăng thu nhập.