Chỉ trong gần nửa ngày, có đến hàng chục trường hợp cha mẹ đến gửi vong linh của con ở chùa Từ Quang. Có người phải bỏ con vì không được gia đình chồng chấp nhận, có trường hợp người vợ đến xin làm lễ cho con của chồng mình và người phụ nữ khác.
- Sư thầy chùa Hoằng Pháp giành học bổng toàn phần của đại học Harvard
- Xót cảnh mẹ ngược xuôi tìm con gái mất tích bí ẩn khi gia đình đi chùa cầu an
Theo quan sát của chúng tôi, những người đến chùa gửi vong linh đa phần là phụ nữ. Cũng có trường hợp các cặp vợ chồng cùng nhau đến đây để cầu siêu cho những đứa con yểu mệnh của mình.
Chúng tôi không thể quên hình ảnh một người vợ có gương mặt khắc khổ ngại ngùng đến hỏi những người trong chùa để cầu siêu cho một vài đứa trẻ. Điều đáng nói ở đây là những đứa trẻ đó không phải là con của chị mà là của chồng chị và những người tình trước đó.
Được biết, chị và chồng đều từng trải qua đổ vỡ trong hôn nhân. Trước khi sống với chị, người chồng đã trải qua rất nhiều mối tình đến mức anh không thể nhớ hết tên của họ và mình bị mất bao nhiêu đứa con. Bản thân chị cũng từng tự tay bỏ đi đứa con của mình. Chính vì vậy họ tìm đến chùa Từ Quang để cầu siêu cho vong linh của những đứa trẻ với hy vọng tâm hồn sẽ được thanh thản.
Một cặp vợ chồng khác lại có hoàn cảnh ngược lại hoàn toàn. Anh chị lấy nhau đã nhiều năm nhưng bị hiếm muộn nên khó có con. Sau khi chạy chữa nhiều nơi, cuối cùng chị cũng mang thai. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì đứa con bị mất. Sau đó, hai vợ chồng đau đớn đưa vong linh của con vào chùa để gửi gắm.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ trong độ tuổi sinh viên vì lầm lỡ phải bỏ đi đứa con của mình đến đây gửi vong linh. Trong chuyến đi, chúng tôi gặp một cô gái xinh đẹp đến đây để thăm đứa con của mình.
Cô kể: “Đây là đứa con nhỏ của em, trước đó em có một đời chồng và có đứa con 5 tuổi. Sau đó khi quen người bạn trai này, em có thai nhưng gia đình anh ấy không đồng ý. Vì vậy em đành phải bỏ con vì sinh ra đâu thể chăm sóc được”.
Những hương linh trẻ em được cha mẹ đưa vào chùa được ghi chép trong một quyển vở và có số thứ tự riêng để tiện cho việc người thân đến thăm sau này.
Dù đã chứng kiến những cảnh này nhiều năm nhưng nhiều trường hợp vẫn khiến cô L. (thư ký ở chùa) rơi nước mắt. Không chỉ người thân của các bé mà những người ở trong ngôi chùa này đều day dứt trước số phận của những đứa trẻ không được phép chào đời.
Một phụ nữ nghẹn ngào: "Thực sự nếu không vì hoàn cảnh, tôi cũng không muốn bỏ con mình. Hy vọng, các cô gái trẻ sẽ không đi vào con đường như chị hiện tại để các sinh linh vô tội không phải chịu khổ".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á, mỗi năm có 250.000 - 300.000 ca nạo phá thai. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo còn trên thực tế có thể cao hơn nhiều.