Gần 20 năm qua, chùa Từ Quang chính là nơi đón nhận những vong linh thai nhi xấu số không được chào đời từ khắp nơi. Theo quan niệm nhà Phật, những đứa trẻ dù không được sinh ra thì trong cõi tâm linh, chúng cũng tồn tại. Do đó, vào dịp trung thu hàng năm, nhà chùa vẫn tiến hành cầu siêu cho hương linh các bé.
- Sư thầy chùa Hoằng Pháp giành học bổng toàn phần của đại học Harvard
- Bức ảnh con chó nép bên bà ngoại lúc hấp hối và câu chuyện cảm động do cháu gái kể
Chốn yên nghỉ của những thai nhi xấu số
Tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM), gần 10 năm qua, chùa Từ Quang chính là nơi các bà mẹ gửi gắm những vong linh thai nhi xấu số.
Năm 1959, một đôi vợ chồng trong vùng đã hiến thửa đất rộng 1000 mét vuông để xây dựng chùa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Từ Quang ngày nay được trùng tu khang trang hơn và là điểm đến của nhiều phật tử trong và ngoài nước.
Từ năm 2000, chùa Từ Quang bắt đầu thờ hương linh trẻ vô danh. Ban đầu là những hài nhi xấu số của các nữ công nhân tại khu công nghiệp trong vùng. Lâu dần, nhiều người mẹ khắp nơi cũng truyền tai nhau đến gửi gắm những đứa con chưa thành hình.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, anh V.V.T. (32 tuổi), một phật tử của chùa cho biết: “Hàng ngày, có rất nhiều các cô gái trẻ, rồi những đôi yêu nhau lỡ có con nhưng vì điều kiện không cho phép nên họ đành phải bỏ đi. Vì day dứt nên họ lên chùa gửi con, mong con siêu thoát”.
Có thời điểm, anh T. gặp một đôi nam nữ trong độ tuổi sinh viên đến chùa với gương mặt sợ hãi, nhợt nhạt vì mới đến bệnh viện phá thai. Nghe nhiều người mách, cặp đôi này đến đây gửi gắm vong linh đứa trẻ.
Không ít chị em sống ở nước ngoài nhiều năm vào ngày lễ, những lần về quê cũng ghé cửa chùa thăm đứa con bất hạnh không được ra đời vì một lý do nào đó.
Hình ảnh những em bé vui vầy dưới chân Đức Phật trong gian thứ hai của ngôi chùa tạo ấn tượng mạnh cho những vị khách đến thăm. Trong chốn yên tĩnh này, người mẹ đến thăm con thường tìm một góc nhỏ rồi tĩnh tâm đọc kinh cầu nguyện.
“Em sợ con em đi lang thang nên cho nó vào đây...”
Đó là lời tâm sự của bà mẹ trẻ xinh đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân chịu muôn vàn cay đắng. Chị ly hôn người chồng đầu khi đã có con trai 5 tuổi. Những tưởng cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn bên người đàn ông thứ hai nhưng khi phát hiện mình có thai hơn 1 tháng cũng là lúc gia đình người yêu không chấp nhận chị.
Bạn trai nghe lời gia đình, bỏ rơi mẹ con chị. Chị đau lòng phải bỏ đi giọt máu của mình. Vừa kể, chị vừa lặng lẽ đốt từng bộ quần áo, mấy món đồ chơi khi lên chùa thăm con.
Mỗi người mẹ đến ngôi chùa đều mang trong mình những câu chuyện buồn, bất đắc dĩ mới phải bỏ con đi. Tuy nhiên, một số người lại gửi đến cả 10 người con sau những lần lầm lỡ.
Cô T.L, thư ký làm việc tại chùa cho biết nhiều năm qua, chùa Từ Quang đã là nơi yên nghỉ của gần chục ngàn thai nhi xấu số. Các bé đều có một cái tên, một mã số thuận tiện cho cha mẹ đến thăm. Hàng năm, đến rằm tháng 8 âm lịch, nhà chùa sẽ tổ chức lễ đăng đàn chẩn tế, cầu siêu cho các hương linh thai nhi.
"Thai nhi bị bỏ đi nhưng được thờ phụng mọi người sẽ gọi là hương linh. Tụi nó cũng có tâm hồn trẻ thơ như những đứa con nít. Ngày rằm trung thu, nhà chùa sẽ tổ chức lễ hội cho tụi nhỏ. Có đầy đủ bánh kẹo, sữa cho trẻ con. Ngày thường chúng cũng vẫn được ăn uống, ăn miếng bánh cái kẹo và ở cạnh Đức Phật" - cô L. chia sẻ.
Theo quan niệm nhà Phật, mỗi đứa trẻ khi đã thành thai trong bụng mẹ đều đã có linh hồn. Cho dù người mẹ ấy không sinh ra chúng, phá bỏ thì trong cõi tâm linh, chúng cũng đã tồn tại.
Với tấm lòng hướng Phật, người mẹ trẻ kia sợ con mình bơ vơ, phải gửi con nơi cửa chùa: "Con em bất hạnh. Em sợ nó đi lang thang bị bắt nên cho nó vào đây".
Cụ H. (70 tuổi) sống cạnh chùa vẫn thường ghé đến đọc kinh cho những hương linh thai nhi trong chùa nghe chia sẻ: "Nghĩ đến mấy đứa con nít không được ra đời xót xa lắm cô ơi. Mong chị em phụ nữ đừng dại dột mà bỏ con mình, mang tội chết!".