Một nhóm 5 người trẻ đã tình nguyện đưa thi thể của phượt thủ T.A.K từ núi rừng về đoàn tụ cùng gia đình. Hành trình ấy gặp không ít gian nan, nguy hiểm nhưng cũng thấm đẫm tình người.
- Clip thác dữ Lao Phào - Con thác 7 tầng chảy xiết nơi phát hiện thi thể nam phượt thủ leo Tà Năng - Phan Dũng
- Xác nhận thi thể ở Tà Năng - Phan Dũng là của phượt thủ mất tích
2 tiếng quyết định
'Đưa thi thể K. ra khỏi thác Lao Phào cũng là lần đầu tiên mình đặt chân đến con thác này. Hôm đó thời tiết âm u, nhiều mây, vách đá dựng đứng, tiếng nước chảy xối xả lấn át tất cả mọi âm thanh khác. Con thác này được người dân bản xứ ví von là nơi tử thần, rất hoang vu, hẻo lánh và rất ít người đặt chân tới.' - anh Huy nhớ lại.
Từ lúc nhận được cuộc điện thoại thông báo tình hình thi thể K. cho đến lúc chốt phương án di chuyển, nhóm mất thời gian khoảng 2 tiếng.
Xuất phát từ Đà Lạt lúc 5h sáng ngày 22/5, nhóm 5 thanh niên gồm: Nguyễn Quốc Huy (29 tuổi), Trần Lý Tưởng (26 tuổi), Ngô Anh Tuấn( 35 tuổi), Đặng Hữu Tuấn (32 tuổi) và Phan Tuấn Anh (29 tuổi), thành viên Câu lạc bộ Du lịch mạo hiểm Đà Lạt có mặt tại Tà Năng lúc 8h30 sáng.
Ở Tà Năng, nhóm liên hệ được đội xe chuyên dụng của người dân địa phương nơi đây vận chuyển đồ nghề như: chuyên dụng, dây móc, khóa, trang thiết bị bảo hộ đến điểm tập kết. Từ điểm này, nhóm mất thêm 4 tiếng băng rừng, vượt suối để đến được thác Lao Phào.
Chênh vênh con thác dữ, nước chảy xiết không ngừng
'Theo người dân ở đây, con thác này có 7 tầng, K. đang nằm ở tầng thứ 3, nhóm phải tiếp cận thi thể từ trên đỉnh thác. Khoảng 3h30 chiều, nhóm tiếp cận được thi thể của K. Lúc đó, em nằm ngửa, sát mép nước nên việc kéo ra không gặp nhiều khó khăn.
Thi thể đang trong quá trình phân hủy nên rất nặng mùi, nhóm lại sơ suất không mang theo khẩu trang. Thật may mắn là có thành viên giữ chai dầu gió, cả nhóm bôi dầu đỏ cả mũi nhưng vẫn không thể át được mùi thi thể.' - anh Huy nhớ lại.
Phương án bó thi thể và dùng dây chuyên dụng, ròng rọc và sức người để kéo lên trên được thống nhất. Anh Huy kể tiếp: 'Sau một tiếng làm công tác bọc thi thể, cả đoàn sử dụng 2 sợi dây: một sợi mắc thi thể vào ròng rọc, sợi còn lại ở đầu trên để kéo. Sau nhiều nỗ lực thì thi thể K. đã lên đến đỉnh thác. Lúc này, trời cùng nhá nhem tối, ai cũng mệt lả vì đói và khát'.
Hành trình đưa thi thể của K. từ tầng thác thứ 3 lên đến đỉnh phải trải qua tầng tháng 2 và 1. Cả nhóm cố gắng để đưa được K. lên đỉnh thác nhưng bất lực bởi quá nhiều khó khăn về địa hình và thời tiết. Dòng nước xiết, đổ xối xả lên thi thể lơ lửng trên dây. Lúc này, thi thể đang ở độ cao khoảng 90m.
Đêm không ngủ ở rừng
'6h10 tối, vấn đề đặt ra cho cả đoàn bây giờ là dựng lều ngủ lại hay cố gắng về lại điểm tập kết. Nếu ngủ lại sẽ không có đủ lương thực thì cả đoàn tính toán chỉ mất 1 ngày là có thể đưa được K. ra. Sau khi thảo luận, cả nhóm định là bằng mọi giá di chuyển trong đêm về điểm tập kết. Anh em cứ thế băng rừng rậm, leo lên những vách đá dựng đứng và đối mặt với hiện tượng đá lăn. Mọi người bước từng bước nối đuôi nhau, chụp từng hòn đá lăn để người đi trước không bị xìa. Rừng núi về đêm tĩnh lặng đến ghê người.' - anh Huy nhớ lại.
Sau 5 tiếng, cả nhóm cũng về đến điểm tập kết. Đói và mệt nhưng các anh tranh thủ liên lạc về nhà để người thân yên tâm. Đêm đó, ai cũng chạnh lòng khi để K. ở lại giữ núi rừng mênh mông thêm một đêm nữa. Mọi người bàn tính kỹ lưỡng phương án đưa K. ra khỏi nơi lạnh lẽo này.
Chợp mắt được 1-2 tiếng thì trời hửng sáng, cả đoàn kiểm tra vật dụng để sẵn sàng cho lộ trình tiếp theo. Sức khỏe các thành viên tương đối tốt, nhưng những vết cắt, vết xước do cây rừng, đá tảng cào vào chân, tay thì rất nhiều. Lúc này, là vào khoảng 6h30 sáng ngày 23/5.
Quá trình đưa thi thể của K. từ thác 3 lên thác 2 là quá trình gian nan nhất bởi đó là vách đá chắn ngang, nếu tính toán không chuẩn, thi thể cứ thế lơ lửng giữa không trung không biết sẽ đi đâu về đâu.
'Dưới thác 3 có nhiệm vụ đưa nốt phần còn lại của đêm qua lên đỉnh thác và tiếp tục di chuyển K. lên tiếp cận với thác 2. Đội phía trên sẽ dăng dây và dùng sức người kéo lên, làm sao nhanh nhất với phương án cuốn chiếu, khéo léo đi qua từng tầng thác một, tránh từng ngọn cây một. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp với sự kết hợp hoàn hảo giữa 3 đội.' - anh Huy kể lại.
Phượt tự phát: An toàn là trên hết
Khoảng 12h30 trưa ngày 23/5, thi thể của K. đã lên đến đỉnh thác. Cả đoàn thở phào đôi chút vì 50% nhiệm vụ đã hoàn thành. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn khi con đường từ rừng về nhà cũng gian nan và ghập ghềnh không kém.
Địa hình hiểm trở, lồi lõm và dốc. Nhóm dùng càng đưa thi thể của K. lên xe máy, lúc này, thi thể ngày càng nặng mùi. Đoàn phân công một người cầm lái, còn lại chia thành 4 nhóm. Nhóm đi trước phát cây, 2 nhóm giữ thăng bằng cho xe từ 2 bên cánh phải và trái, nhóm còn lại giữ thi thể của K. không rơi khỏi xe. Cứ như thế, các thành viên bước từng bước một, dần ra khỏi khu rừng hoang vu, lạnh lẽo.
Khoảng 22h cùng ngày, thi thể của K. được đoàn tụ với gia đình. Lúc này, cả đoàn cứu hộ ai nấy đều rã rời, chân tay không còn cảm giác. 'Cuối cùng, tâm nguyện của gia đình K. cũng được thực hiện, cả đoàn cũng vì thế mà quên đi những mệt mỏi, sóng gió trước đó.' - anh Huy chia sẻ.
Trước K., anh Huy đã từng cứu hộ 3 du khách người Anh gặp nạn tử vong tại thác này vào tháng 2/2016. Lời khuyên anh muốn gửi đến các bạn trẻ muốn chinh phục các cung đường phượt nguy hiểm là: 'Nên tìm hiểu kĩ trước khi đi chinh phục 1 con đường nào đ , từ khâu chuẩn bị hành trang đến cung đường đi. Tất cả các bạn gặp nạn tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng này đều do tự phát, không thông qua bất cứ người dẫn đường nào. Mong các bạn đề cao tính an toàn để không xảy ra những sự việc đáng tiếc'.
Ngày 25/5, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt đã tuyên dương đột xuất cho 5 hướng dẫn viên (HDV) du lịch mạo hiểm trong vụ việc cứu hộ phượt thủ T.A.K. Mỗi cá nhân được nhận bằng khen và số tiền thưởng 2 triệu đồng.