50 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ khỏi rừng sâu

Xã hội 28/05/2018 09:15

Sau hơn 12 ngày nằm lại với núi rừng, anh A.T.K. (24 tuổi, mất tích trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng) cũng về được với gia đình. Đó là hành trình đầy gian nguy nhưng chan chứa tình người.

50 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ khỏi rừng sâu - Ảnh 1

Các thành viên đoàn cứu hộ đang kéo thi thể anh K lên đỉnh núi - Ảnh do đoàn cứu hộ cung cấp

 Vẫn chưa lại sức sau những ngày băng rừng lội suốt, dầm mình giữa rừng sâu để giải cứu thi thể người xấu số, Trần Lý Tưởng (một trong năm thành viên của nhóm tình nguyện đến từ TP. Đà Lạt) chia sẻ: "Sau khi nghe tin anh K. bị nạn và phát hiện được nơi anh ấy nằm lại nhiều ngày nhưng không đưa được ra ngoài vì đường xá, địa hình đồi núi cheo leo, tôi và nhiều anh em tự dưng thấy thương vô cùng. Cuối cùng, chúng tôi đã gặp nhau và bàn tính chuyện đi đến nơi để đưa anh K. về với gia đình".

Cùng với Tưởng, bốn chàng trai còn lại là: Nguyễn Quốc Huy, Ngô Anh Tuấn, Đặng Hữu Tuấn và Phạm Tuấn Anh là những người đồng cảm và xót xa trước hoàn cảnh của anh A.T.K. Hầu hết mọi người đều đang làm công việc hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm. Tất cả đều khá thành thạo việc di chuyển, giải cứu người tại những nơi có địa hình, địa thế hiểm trở.

Kể về hành trình đưa được thi thể anh K. từ chân thác về với gia đình, Nguyễn Quốc Huy không giấu được cảm xúc: "Để đi được vào tận nơi phát hiện anh K. bị nạn rồi mắc kẹt ở đó, từ sáng sớm chúng tôi từ Đà Lạt vào Tà Năng, rồi cả đoàn theo người dân đi bộ đường rừng gần 5 tiếng đồng hồ quanh co giữa rừng rậm. Nơi anh K. nằm lại là đoạn cuối của một con thác cao 3 tầng. Đây là nơi mà cả người dân bản địa cũng chưa từng đặt chân đến, rất hoang vu".

50 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ khỏi rừng sâu - Ảnh 2

Nơi anh K. bị mắc kẹt là một con thác cao thẳng đứng - Ảnh do đoàn cứu hộ cung cấp

 Theo miêu tả của năm thành viên, lúc tiếp cận được với thi thể nạn nhân thì tình trạng đã phân hủy nặng. Ai đứng gần cũng không thể chịu nổi mùi hôi quá 30 giây. Cả đoàn phải thoa dầu, đeo khẩu trang kín mít.

 Con thác quá cao lại dốc thẳng đứng nên việc di dời thi thể gặp muôn vàn khó khăn. "Thác cao phải đến 90m, xung quanh lại không có đường đi nên chúng tôi phải mắc hệ thống dây từ trên đỉnh thác kéo xuống, rồi dùng sức người kéo thi thể lên", anh Tưởng cho biết.

Khi bắt đầu kéo xác lên, trời cũng bắt đầu tối đen. Lúc này, thi thể a K. lên gần tới đỉnh thác thì bị nước xối thẳng khiến mọi người không thể tiếp tục. Trời mỗi lúc một tối, việc di chuyển của cả đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

"Lúc đó hầu như cả đoàn ai cũng mệt lả, tay chân mỏi nhừ vì gai cào, đá cắt. Trời quá tối, địa hình hiểm trở, khi kéo anh K. lên gần tới đỉnh thì lại vướng vào đá nên chúng tôi đành tạm ngưng, đợi trời sáng mới làm tiếp".

50 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ khỏi rừng sâu - Ảnh 3

Thi thể anh K. bị vướng vào vách đá khi lên gần tới đỉnh thác khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn - Ảnh do đoàn cứu hộ cung cấp

 Vậy là mọi người đành ngủ lại giữa rừng. Cái lạnh đến tê buốt của sương, gió nơi heo hút khiến nhiều người run lẩy bẩy. "Lúc đầu chúng tôi nghĩ sẽ hoàn thành công việc trong một ngày nên không mang theo thức ăn dự trữ. Nhưng công việc quá khó khăn, nên thời gian kéo dài hơn dự kiến. Lúc đó, bụng ai cũng đói cồn cào", Nguyễn Quốc Huy cho biết.

Giữa núi rừng tối đen, hết nỗi lo này đến nỗi lo khác lại ập đến với đoàn. Cả đêm, mọi người không ai chợp mắt nổi. "Thi thể anh K. phải nằm cheo leo dưới con thác. Chúng tôi sợ dây, cọc gặp sự cố thì ngày mai phải tiếp tục làm lại từ đầu. Ai cũng bồn chồn trong lòng chỉ mong sao trời sáng thật nhanh", anh Huy cho hay.

Khi trời vừa hửng sáng, mọi người nhanh chóng bắt tay vào việc di dời thi thể qua đoạn vách đá chắn ngang. Theo đánh giá của cả đoàn, đây là việc khó khăn nhất và gian khổ nhất. "Chúng tôi phải di dời hệ thống dây từ chỗ này đến chỗ khác để tránh vách đá, trong khi anh K. cứ nằm cheo leo giữa núi. Chỉ một bước chân sai thôi là không biết chuyện gì sẽ xảy đến", anh Tưởng nói.

50 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ khỏi rừng sâu - Ảnh 4

Nhiều ngày trời, đoàn cứu hộ phải ngủ, nghỉ tạm bợ giữa rừng - Ảnh do đoàn cứu hộ cung cấp

 Hành trình giải cứu gian nan kéo dài từ sáng sớm đến tận chiều tối. Càng lúc càng kiệt sức, nhưng thử thách lại càng cam go hơn. Trong khi nhiều người nghĩ chỉ cần đưa thi thể lên được đỉnh thác là xong, nhưng không ngờ, con thác này lại cao tới ba tầng và vẫn phải vượt qua tới hai đỉnh thác nữa thì mới có thể đưa a K. về với gia đình.

"Lúc đó chúng tôi hầu như kiệt sức. Mọi người ai cũng đuối và mệt. Nhưng nhìn lại thấy anh K. đã qua được con thác cao rồi nên tất cả quyết tâm đưa anh về với gia đình, bằng mọi giá", Trần Lý Tưởng quả quyết nói.

Vậy là mọi người lại cặm cụi kéo dây, di chuyển qua từng mỏm đá, gốc cây. Phải đến gần tối, thi thể anh K. mới lên được đỉnh núi để người dân đưa lên xe chở về. Con đường vượt rừng về đến nhà cũng gian nan và đầy nguy hiểm.

Theo đánh giá của cả đoàn, đây là con đường chỉ dành cho những người cứng tay nhất mới có thể lái xe đi qua. Anh Nguyễn Quốc Huy kể: "Con đường từ trên đỉnh núi đổ xuống rộng chừng 1m. Chúng tôi chia làm 4 nhóm vây quanh chiếc xe gắn máy, người đi trước thì phát cây cho xe chạy, hai bên giữ thăng bằng chiếc xe, còn đằng sau phải giữ chặt thi thể anh K. Chúng tôi nhích từng chút một giữa rừng. Tay chân ai nấy đều không còn chút cảm giác vì ê ẩm".

Đến 22h, khi về đến địa phận xã Phan Dũng (tỉnh Bình Thuận), mọi người mới thở phào. Ai nấy đều ngã khụy vì đuối sức.

Chứng kiến cảnh tượng người mẹ đáng thương đổ gục khi đứng trước thi thể con trai, mọi người không kìm được nước mắt. Trong khoảng khắc buồn vui lẫn lộn, ai cũng bật khóc.

"Chúng tôi nhớ mãi khoảnh khắc ấy. Ánh mắt người mẹ thẫn thờ khi nhìn thấy anh K. trở về. Bà đã khóc đến cạn khô nước mắt suốt hơn 10 ngày rồi. Bà nấc nghẹn từng tiếng một gọi tên anh K.", anh Tưởng xúc động.

Trước đó, anh T.A.K (ở TP.HCM) đi trek cung Tà Năng - Phan Dũng (từ Lâm Đồng tới Bình Thuận) với một nhóm bạn ngày 11-5, nhưng lạc và mất tích sau đó một ngày. Hơn 100 người đi tìm, đến tối 20-5 mới phát hiện được thi thể anh mắc kẹt ở thác Lao Phào (xã Phan Dũng, tỉnh Bình Thuận).

Clip thác dữ Lao Phào - Con thác 7 tầng chảy xiết nơi phát hiện thi thể nam phượt thủ leo Tà Năng - Phan Dũng

Con thác Lao Phào nơi tìm thấy thi thể chàng phượt thủ Thi An Kiện là một trong những nơi nguy hiểm nhất của cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Theo những phượt thủ chuyên nghiệp, nếu không có thiết bị bảo hộ thì không ai có thể sống sót mà đi được từ dưới con thác lên hay từ trên xuống.

TIN MỚI NHẤT