Để chiến thắng dịch Covid -19,chúng ta không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Y tế mà còn cần đến sự chung tay của toàn dân, thông qua những việc nhỏ bé nhưng tử tế: Không tích trữ đồ dùng và khẩu trang!
- 178 người ở Nghệ An và Hà Tĩnh có yếu tố dịch tễ đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2
- Đã có kết quả xét nghiệm 4 người hút chung điếu cày với bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hà Nội
Lại câu chuyện về giá khẩu trang
Hai tháng trước, một người bạn của tôi ở Pháp nhắn về nhờ mua 1000 chiếc khẩu trang để chị phát miễn phí cho khách tới nhà hàng chị. Giá rổ thế nào chị không quan tâm, miễn là khẩu trang đạt chuẩn, có chứng chỉ CE (chứng nhận CEMarking, đáp ứng các yêu cầu của 27 nước thành viên EU về an toàn sức khỏe và môi trường).
Tôi đi hỏi một cô em làm trong ngành thiết bị y tế thì nhận được câu trả lời: “Sau đợt cao điểm bọn em đang ế cả đống đây chị ơi. Thi nhau nhập về rồi giờ chả bán được cho ai. Nhưng chứng chỉ CE thì hiếm nhà có lắm.”
4,5 ngày trước, chính cô em ấy đăng bài lên mạng xã hội rao bán khẩu trang y tế 4 lớp giá 50 ngàn đồng/hộp. 2 ngày trước, khi các ca bệnh có chiều hướng gia tăng, cô thông báo khẩu trang đang tăng giá từng giờ, hiện là 75 ngàn đồng/hộp. Hôm nay tôi vào hỏi, cô bảo ngay lúc này không còn hàng để lấy và cũng không biết khi nào mới có hàng về.
Trong chợ chung cư online nơi tôi sống, khẩu trang trở thành mặt hàng ăn khách bậc nhất. Những hộp khẩu trang y tế 4 lớp thông thường được rao với đủ mức giá, tất nhiên không dưới 100 ngàn đồng. Phổ biến nhất từ 120 - 145 ngàn đồng/hộp. Nếu so với đợt dịch đầu tiên hồi tháng 3, mức giá này vẫn được xem là “RẺ”. Lẽ nào, chỉ sau có dăm ba ngày, lượng khẩu trang tồn đọng ế ẩm của Hà Nội đã được giải quyết sạch sẽ tới nỗi “KHÔNG CÒN HÀNG ĐỂ BÁN”?
Không ai dám khẳng định việc “khẩu trang không còn hàng để bán” là thật hay chiêu trò kinh doanh. Bởi số lượng khẩu trang tồn đọng là bao nhiêu, lượng mua vào là bao nhiêu, chỉ có người buôn mới biết. Chúng ta chỉ biết rõ ràng rằng, nỗi sợ hãi của người dân đã bị những kẻ trục lợi bắt giữ làm con tin.
Người Việt mình hay lo xa. Là đất nước nông nghiệp, cuộc sống đói no phụ thuộc nhiều vào mưa thuận gió hòa, hoàn cảnh thiên tai địch họa đe dọa liên tục khiến con người không thể sống nay biết mai, “mất bò mới lo làm chuồng”, mà buộc phải tích trữ. Bởi vậy mới có hiện tượng khi làn sóng Covid-19 đầu tiên ập tới Việt Nam, người dân ở những nơi là điểm nóng chống dịch chen chúc trong chợ, trong siêu thị để thu mua thực phẩm trước ngày “phong thành”.
Riêng với mặt hàng khẩu trang y tế, nhiều ngày trước đó, đã không ai có thể tìm được chúng tại các hiệu thuốc lớn nhỏ trong thành phố. Có chăng khẩu trang y tế lúc đó chỉ có thể được tìm thấy trên facebook với mức giá 500 ngàn đồng/hộp 50 chiếc. Trước mức giá đắt đỏ của nhà cung cấp, nhiều bệnh viện buộc phải tự mua nguyên liệu về may khẩu trang cho cán bộ công nhân viên và bệnh nhân.
Tích trữ không cần thiết - dịch bệnh thứ 2 cần chống như Covid-19
Sau khi tạm dập được làn sóng dịch lần thứ 1, không ít người than trời vì tích trữ đồ nhiều quá. Lệnh giãn cách đã hết mà nhà đồ vẫn như còn nguyên, đặc biệt khi nhiều nhà vài thùng mì trong khi bình thường cả tháng gần như chẳng đả động nổi 3 gói.
Về khẩu trang. Còn nhớ, khi cả nước căng mình chống dịch, nhiều người đã mang từng hộp khẩu trang y tế trong nhà đến tặng cho các bác sĩ nơi tuyến đầu. Không phải vì dư, mà vì họ nghĩ các bác sĩ cần đến chiếc khẩu trang hơn.
Và thật may mắn, trong lúc đám đục nước béo cò ra sức trục lợi trên sức khỏe và sinh mệnh của cộng đồng, vẫn có những doanh nghiệp tử tế và cá nhân tử tế huy động nguồn lực riêng để sản xuất khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Vậy là bằng việc sử dụng song song khẩu trang y tế và khẩu trang vải đạt chuẩn; tuân thủ nguyên tắc giãn cách nơi công cộng, tuân thủ các bước rửa tay thường quy cùng các nguyên tắc vệ sinh khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới và sự nỗ lực hết mình của ngành Y tế, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới. Chỉ sau 2 tháng hành động tận lực đã đưa cuộc sống về trạng thái bình thường.
Thế là thị trường khẩu trang y tế cứ thế giảm nhiệt dần rồi tắt hẳn. Kẻ trục lợi thất bát. Và người dân không cần phải giành nhau mua bằng được 1 hộp khẩu trang y tế với giá trên trời mà vẫn vượt qua đại dịch.
Nhưng tất nhiên thành công đó không chỉ nằm ở chiếc khẩu trang. Quan trọng hơn đó là sự hiểu biết, tỉnh táo kịp thời, không để sự cảnh giác, lo xa trở thành nỗi hoang mang sợ hãi để gian thương lợi dụng. Bí quyết còn là sự đoàn kết toàn dân, là ý thức công dân, là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, lấy sự nhường nhịn, san sẻ thay cho sự vơ vét, tích trữ. Rồi cả những hộp cơm nghĩa tình, những cây ATM gạo cứu đói cho bà con lao động nghèo...
Chúng ta đã cùng nhau chiến thắng đại dịch thành công trong làn sóng đầu tiên bằng những nỗ lực tuyệt vời ấy. Vậy không lý gì chúng ta lại không thể thành công trong làn sóng thứ hai này nếu tiếp tục thực hành những cách thức tốt đẹp kia. Chúng ta đã cùng nhau thực hành cho đi, thực hành chia sẻ. Không lý gì chúng ta lại không thể thực hành một thói quen mới: Đó là ngừng tích trữ.
Khi mọi người dân đồng lòng chỉ mua khẩu trang đủ dùng, mua thực phẩm đủ dùng, sẽ không kẻ xấu nào có cơ hội để găm hàng, ém hàng, đẩy giá. Việc tích trữ vừa không cần thiết, vừa tạo ra cảnh xáo trộn khiến gian thương thừa nước đục thả câu, thao túng thị trường, gây bất ổn cho xã hội và gây nguy hại cho cuộc chiến chống Covid-19 mà cả nước đang chung tay góp sức góp công.
Covid-19 vẫn đang là hiểm họa toàn cầu, Việt Nam bé nhỏ của chúng ta dù ít dù nhiều cũng sẽ chịu tác động gián tiếp hay trực tiếp. Cuộc chiến chống Covid-19 vì thế sẽ là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ đòi hỏi một chiến lược nhất quán và tinh thần đoàn kết cao độ của mỗi người dân.
Chúng ta không được chủ quan với con virus lạ thường có sức hủy diệt chưa từng thấy. Đồng thời, chúng ta càng không được chủ quan với lòng tham vô đáy của những kẻ trục lợi. Đừng quên, giá khẩu trang được đội lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 10 chính bằng sự ích kỷ, thu vén cá nhân tưởng như vô hại của người mua và bằng sự tham lam lạnh lùng tưởng như chân chính của kẻ bán.
Trên tất cả, ngừng tích trữ khẩu trang cũng như ngừng tích trữ các nhu yếu phẩm mùa dịch cũng là một cách tham gia chống dịch tích cực mà bất kỳ ai cũng có thể làm cho cộng đồng, cho đất nước, và xa hơn là cho một cuộc chiến toàn cầu mà cả nhân loại đều trông đợi vào những trái tim biết chia sẻ, yêu thương.