Sau khi bố mẹ chồng mất không được bao lâu, người em dâu đã chủ động đưa anh chồng vốn bị liệt ra khỏi căn nhà mà ông đã sinh hoạt từ hàng chục năm nay.
Cầm trên tay lá đơn, bà Lê Thị Kim Điệp (58 tuổi, trú tại Lam Sơn, Q.Lê Chân, TP Hải Phòng) kể về việc em trai vốn bị liệt sau một lần tai biến bị em dâu “đuổi” ra khỏi ngôi nhà mà bố mẹ để lại, dù căn nhà trên chưa được phân chia theo di nguyện của bố mẹ.
Không được ở trong nhà của bố mẹ
Theo bà Điệp, gia đình bà có ba anh chị em thì không may em trai bà là ông Lê Ngọc Anh (56 tuổi) bị liệt hai chân, không thể sinh hoạt như người bình thường.
Khi còn sống, bố mẹ bà luôn trăn trở việc sau này mất đi sẽ không có ai chăm lo cho ông Ngọc Anh.
Trong bản di chúc lập ngày 22-11-2004, bố mẹ bà Điệp quyết định để lại tài sản thừa kế phần đất và căn nhà tại địa chỉ 144 Thiên Lôi (P.Vĩnh Niệm, Q.Lê Chân, TP Hải Phòng) cho bà Điệp cùng em trai là ông Lê Ngọc Thái.
Riêng bà Điệp có thêm nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chăm sóc cho ông Lê Ngọc Anh đến hết cuộc đời vì ông Anh là người khuyết tật.
Đến năm 2016, sau khi bố mẹ đều mất, ông Ngọc Anh bị em dâu là bà N.T.T.H. (vợ ông Thái) đưa ra khỏi ngôi nhà 144 Thiên Lôi.
Sự việc xảy ra khi bà Điệp, người có quyền lợi trực tiếp tại ngôi nhà, không được tham gia bàn bạc. Bản thân ông Thái cũng không có mặt tại địa phương do đi làm ăn xa.
“Tôi nghĩ việc em mình bị đưa ra khỏi nhà là do không có tên trong việc phân chia tài sản theo di chúc. Tuy nhiên xét về lý thì chị H. không có quyền được định đoạt đối với tài sản mà bố mẹ tôi để lại.
Còn về tình thì em trai tôi là người khuyết tật, đi lại khó khăn mà bị đuổi ra khỏi ngôi nhà khi chưa được phân chia là không thể chấp nhận được” - bà Điệp bức xúc.
Không cho ở vì... không có điều kiện chăm sóc
Trong lá đơn của mình, ông Lê Ngọc Anh cho biết ngày 5-10-2016 bà H. cùng em trai của mình khóa cổng, không cho ông vào nhà. Bà Điệp phải thuê nhà trọ cho ông Ngọc Anh ở tạm.
Trao đổi với chúng tôi, bà H. cho rằng việc bà đưa ông Lê Ngọc Anh ra khỏi nhà là... muốn tốt cho ông vì điều kiện chăm sóc của gia đình bà có hạn, khi bà Điệp là người có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc ông Ngọc Anh chỉ chu cấp một ít tiền.
Theo bà H., từ thời điểm trước khi bố mẹ chồng lập di chúc đã thống nhất đưa một khoản tiền để bà Điệp lo chuyển ông Ngọc Anh về nhà chăm sóc.
Tuy nhiên sau khi mẹ chồng mất được ít ngày, bà Điệp lại đưa trả ông Ngọc Anh về nhà bố mẹ và chỉ chu cấp một ít tiền hằng ngày, do đó việc chăm sóc gần như đều do một tay bà.
“Thời điểm đó bố chồng tôi cũng bị bệnh, sức khỏe yếu. Một mình tôi vừa phải lo cho bố vừa phải lo cho người anh chồng tật nguyền, trong khi trách nhiệm chăm sóc ông Ngọc Anh đã được bố mẹ chồng giao cho bà Điệp” - bà H. phân trần.
Hiện nay, cuộc sống của ông Ngọc Anh dựa vào nguồn hỗ trợ dành cho người khuyết tật của Nhà nước, còn lại nhờ vào lòng hảo tâm của bà con chòm xóm và chu cấp thêm của bà Điệp.
Khởi kiện
Sự việc được chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức đối thoại, hòa giải nhưng không thành.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh - phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Niệm, dù đã đưa ra nhiều phương án để giúp các thành viên trong gia đình bà Điệp cùng bàn bạc, tìm cách tốt nhất, tuy nhiên đến nay gia đình vẫn chưa thống nhất được với nhau.
Bà Lan Anh cho rằng khi đưa ra phương án để ông Ngọc Anh tiếp tục được ở căn nhà số 144 Thiên Lôi, bà H. không đồng ý vì cho rằng đây là nhà của bà.
“Việc phân chia tài sản do tòa án quyết định, cái khó ở đây là trong bản di chúc lại không phân chia tài sản cho ông Ngọc Anh và ông ấy cũng không muốn vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể đề nghị bà Điệp có phương án chăm sóc cho ông Ngọc Anh trong thời gian chờ ông Thái về giải quyết” - bà Lan Anh cho biết.
Được biết sau nhiều lần hòa giải bất thành, ông Lê Ngọc Anh cũng đã có đơn khởi kiện gửi TAND Q.Lê Chân đề nghị giải quyết vấn đề tranh chấp về di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho các con.
Ông Ngọc Anh được ở lại nhà bố mẹ
Luật sư Trịnh Văn Nam cho rằng trên thực tế di sản thừa kế của bố mẹ bà Điệp hiện vẫn chưa được phân chia, nên việc ông Lê Ngọc Anh sinh sống trên nhà, đất của bố mẹ mình để lại là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Ông Nam cho rằng bà H. là người không có quyền lợi đối với diện tích nhà, đất nói trên nhưng lại tự ý đuổi ông Ngọc Anh ra khỏi nhà như vậy là có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Hơn hết, bản thân ông Ngọc Anh là người khuyết tật, không có khả năng tự bảo vệ mình trước hành vi vi phạm của bà H. nên có thể xem đây là tình tiết tăng nặng.