Bác sĩ Lê Văn Lâm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) lý giải việc cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu bằng cách truyền bia vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
- 26 năm uống rượu, người đàn ông thành ‘quái vật’ với chiếc cổ kì dị
- Ám ảnh lời nhắn nhủ của ông bố phải mang 100 chiếc đinh trên mặt sau tai nạn kinh hoàng do tài xế say rượu gây ra
Mới đây, thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch do ngộ độc rượu bằng cách truyền 15 lon bia vào cơ thể đã gây xôn xao dư luận.
Trước phương pháp "truyền bia giải rượu", chia sẻ trên Zing.vn bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp truyền bia vào cơ thể giúp bảo toàn tính mạng cho anh Nhật.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lâm cũng cho biết, "Cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lúc này là sử dụng rượu Etylic tinh chế truyền trực tiếp vào đường tĩnh mạch giống như thuốc. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc chúng tôi không thể mua loại rượu này ngoài thị trường. Hơn thế, việc đảm bảo rượu chỉ chứa Etylic hay có thêm Metylic rất khó xác định. Bản chất của bia cũng có Etylic nên tôi đã quyết định sử dụng chính loại đồ uống này truyền vào đường tiêu hóa thay vì rượu".
Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật trước đó, bác sĩ Lâm cũng cho rằng khi nhập viện, bệnh nhân gặp biến chứng của ngộ độc rất nặng nề, xuất huyết chảy máu đường tiêu hóa, các chức năng thần kinh, tuần hoàn, hô hấp đều đã suy sụp, thở yếu, biểu hiện suy thận. Khi các bác sĩ đặt ống vào dạ dày, máu đã trào ra. Vì vậy, các y bác sĩ đã không có nhiều thời gian để đắn đó trước khi quyết đingj truyền bia vào hệ tiêu hoá để giải độc cho bệnh nhân.
"Phương pháp cấp cứu bệnh nhân này tôi đã đọc trên các tài liệu nước ngoài từ lâu nên khi đó mạnh dạn thực hiện. Cách tối ưu nhất không có, tôi phải quyết định nhanh dùng cách kém hiệu quả hơn là sử dụng bia. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo, tin vào những gì mình biết, làm hết sức có thể để cứu sống bệnh nhân của mình", bác sĩ Lâm nói.
Chia sẻ với báo Vietnamnet, bác sĩ Lâm cùng cho biết vì vợ của bệnh nhân cũng làm trong ngành y, trong hoàn cảnh bệnh nhân đang nguy kịch nên khi nghe phương pháp truyền bia vào cơ thể để giải độc rượu, người nhà bệnh nhân lúc đầu có chút hoài nghi nhưng sau cũng được thuyết phục, chấp nhận.
Theo thông tin trên báo Gia đình và xã hội, để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ BVĐK Quảng Trị truyền 3 lon bia (gần một lít), vào đường tiêu hóa của bệnh nhân Nhật. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo. Chiều qua, 9/1, bệnh nhân Nhật đã ra viện.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho thấy hàm lượng Methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Mẫu rượu 4 người này uống tại bữa tiệc có hàm lượng Methanol vượt quá 1.100 lần ngưỡng cho phép. Các mẫu rượu này do người dân tự chế biến.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách dùng ethanol đường uống bằng cách, dùng loại rượu uống, sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%), pha loãng thành rượu có nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 g ethanol). Sau đó, có thể cho người ngộ độc ethanol uống hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trên báo Người lao đông, lâu nay việc truyền bia để giải độc rượu có thể xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Trước đó, ngày 23/12, các ông Nguyễn Văn Xược (64 tuổi, trú thôn Quy Hà) ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú thôn An Giạ), Lê Văn Tửu và ông Hoàng Thanh Chiến (58 tuổi, thôn Gia Độ), dự tiệc mừng Giáng sinh tại thôn Đồng Giám và có sử dụng bia rượu.
Các ông trên sau khi uống rượu đã có biểu hiện đều nôn ói, chóng mặt, thậm chí hôn mê sâu, được người nhà đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế của Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Riêng ông Nguyễn Văn Xược (xã Triệu Độ) tử vong vào sáng 28/12, sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện do nghi ngộ độc rượu.