Hai bệnh nhân đều có vết côn trùng cắn giống nhau và được chẩn đoán loại bệnh truyền nhiễm cấp tính.
- Vụ 3 trẻ ngộ độc botulinum nghi do ăn chả lụa: Danh sách những thực phẩm bệnh nhân đã ăn trước đó
- Thai phụ 22 tuần nhập viện vì mắc thủy đậu bội nhiễm: Làm gì để tránh nguy cơ?
Theo các bác sĩ khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông tin trên Zing News, cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhân nam tên L.V.T. (17 tuổi, trú tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) và B.V.K. (42 tuổi, trú tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên), đều được chẩn đoán sốt mò.
Qua khai thác thông tin, 2 bệnh nhân đều đi rừng về và đột nhiên sốt cao liên tục khoảng 5-7 ngày không đỡ nên đã bệnh viện thăm khám.
Sau khi kiểm tra và làm xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ phát hiện 2 bệnh nhân đều có một nốt côn trùng đốt đã đóng vẩy cùng các triệu chứng của bệnh sốt mò. Các bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc doxycycline và chăm sóc tích cực. Sau một ngày, họ đã cắt sốt và dần hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Thúy Tình, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, cho biết sốt mò hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm do vi khuẩn Rickettsia tsuisugamushi gây ra.
Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng. Do vậy, ở miền Bắc của Việt Nam, bệnh thường có từ tháng 5 đến tháng 10.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC từng xảy ra trường hợp bệnh nhân sau 2 tuần đi du lịch thấy sốt cao, nổi nốt vùng bìu sau tạo thành vết loét, kèm nổi hạch đau nhẹ vùng bẹn trái, đau đầu, đau mỏi người và đi ngoài phân lỏng nước ngày 1 lần.
Với thăm khám và dấu hiệu ban đầu, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ là theo dõi sốt mò.
Bằng kinh nghiệm, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với các nhiễm khuẩn thông thường khác. Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán xác định sốt mò bằng kết quả xét nghiệm Rickettsia Realtime PCR dương tính.
Để bảo đảm an toàn, bạn hãy bỏ túi những cách phòng tránh sốt mò như sau:
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại.
- Phun thuốc diệt ấu trùng mò.
- Diệt chuột và các loài gặm nhấm.
- Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay, mang bao tay, che kín cơ thể.
- Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.