Sau khi con bị bỏng, gia đình đã đưa đi chữa trị tại một cơ sở tư nhân, tại đây, bệnh nhi được đắp thuốc trị bỏng.
- Bình Dương: Nạp số lượng ‘khủng’ 90 viên thuốc chữa bệnh của cha, bé trai rơi vào nguy kịch, hôn mê sâu, khó thở
- Cô gái trẻ bị nhiễm độc nặng, tiên lượng tử vong 50% sau khi bỏ ra 5 triệu mua thực phẩm chức năng làm đẹp da
Tuy nhiên, sau 4 tháng điều trị, vết thương vùng bỏng vẫn chảy nước tiết dịch mùi hôi.
Thông tin từ VTV cho hay, bệnh nhi T.V.T. (11 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được đưa vào viện Bỏng quốc gia trong tình trạng mệt nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, chi thể.
Trước đó, bệnh nhi lấy nước lã đổ lẫn với xăng, sau đó bật lửa châm giấy đốt thì bị bùng cháy vào quần áo gây bỏng. Sau bỏng, bệnh nhi được gia đình đưa đi đắp thuốc đông y tại một cơ sở tư nhân. Sau 4 tháng điều trị tại đây, gia đình thấy bệnh nhi mệt yếu, da niêm mạc nhợt, vết thương chảy nước tiết dịch mùi hôi mới chuyển đến viện điều trị.
Ghi nhận tại bệnh viện, bệnh nhi bị tổn thương bỏng 25% độ IV vùng cổ, thân trước, thân sau, mô hạt nhợt nhạt, phù nề, nhiều giả mạc, tiết dịch mùi hôi, còn thuốc đông y bám dính, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, 2 nách, 2 khuỷu tay.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị tích cực cho bệnh nhi gồm truyền dịch, máu, huyết tương, albumin, đạm, tăng cường nuôi dưỡng, phẫu thuật cắt mô hạt xấu, ghép da.
Bệnh nhi đã được phẫu thuật 5 lần, cắt mô hạt xấu, ghép da mảnh lưới. Sau điều trị, da ghép bám tốt, bệnh nhi khỏi bệnh sau 38 ngày điều trị và được chuyển Khoa Phục hồi chức năng.
Trước đó, theo Sức khỏe và đời sống, ngày 8/9, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, Nghi Lộc) bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi.
Theo lời kể của gia đình, ngay sau khi bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh cho bé. Sau đó, qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đem bé tới thầy lang ở Diễn Châu điều trị bằng thuốc lá.
Tại đây, bé B. được thầy lang dùng thuốc lá xay nhuyễn đắp lên vết bỏng kết hợp kê thuốc kháng sinh hàng ngày cho bé uống. Sau 1 tuần đắp thuốc lá, bệnh tình bé không thuyên giảm, thể trạng trẻ yếu, nằm mệt, vùng bỏng không khỏi xuất hiện mủ kèm theo nôn ra máu, đi ngoài phân đen nên lập tức chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng đã nhận định trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc do xử lý sai cách. Bệnh nhi nhanh chóng được truyền dịch, đạm, truyền máu kháng sinh, giảm đau, điều trị xuất huyết tiêu hoá, tắm điều trị bỏng, thay băng bỏng. Các bác sĩ tiếp tục duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi và chăm sóc bé theo các phương pháp điều trị chuyên sâu, khoa học để chóng hồi phục.
Cũng theo bác sĩ, một trong những sai sót thường gặp khi điều trị bỏng cho trẻ là không đưa trẻ đến điều trị tại cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tự điều trị tại nhà hoặc sử dụng không đúng các thuốc điều trị tại vết bỏng, điều này có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Nhiều bệnh nhân đắp thuốc nam khi có diễn biến nặng như sốt cao, thở nhanh nông, mạch nhanh, huyết áp giảm, bụng chướng căng, vô niệu, tại chỗ vết bỏng tiết dịch nhiều, mùi hôi, thậm chí vết thương đe dọa chuyển hoại tử thứ phát, lúc đó mới chuyển đến cơ sở y tế điều trị.
Với trường hợp bệnh nhi này, không thể điều trị nội khoa mà khỏi được. Bệnh nhi nhất thiết phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ mô hoại tử, ghép da khi điều kiện cho phép. Đây là sai lầm hay gặp nhất với các bệnh nhân tự điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân không có kiến thức chuyên ngành bỏng. Các trường hợp bỏng sâu cần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa.
Lời khuyên chuyên gia
Các bác sĩ khuyến cáo: Mọi người dân khi bị bỏng cần thực hiện đúng các phương pháp sơ cứu, cấp cứu tại chỗ, cần nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu để chống sốc, chống nhiễm trùng... đưa bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương để điều trị và can thiệp chuyên sâu khác. Không tự điều trị, hoặc điều trị tại các cơ sở y tế không được phép.
Đối với trẻ em: Vết bỏng diện tích hẹp cũng có nguy cơ đe dọa tính mạng. Những vết bỏng sau 2 tuần chưa liền nên chuyển tuyến trung ương để khám và điều trị, tránh để ở nhà hoặc tuyến dưới sẽ có nhiều di chứng như: mất dịch, đạm, điện giải và sẹo co kéo ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ.