Căn bệnh ban xuất huyết khiến bé trai đột ngột bị ói, đau bụng, sưng bầm da và có các triệu chứng nặng như không chịu ăn uống và ôm bụng quấy khóc.
- Quy định về việc chồng hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con, cách tính tiền thai sản năm 2023
- Vĩnh Phúc: Bé trai tử vong sau khi uống dung dịch bù nước oresol pha đậm đặc
Thông tin từ Zing cho hay, ngày 16/3, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho hay gần đây đơn vị này tiếp nhận trường hợp bé trai 41 tháng tuổi nhập viện vì sưng bầm da.
Trước ngày nhập viện, trẻ đột ngột bị ói, đau bụng, da xuất hiện những mảng bầm rải rác trên mu bàn tay, chân và vành tai. Dần dần, trẻ có các triệu chứng nặng hơn như không chịu ăn uống và ôm bụng quấy.
Sau khi phát hiện mu bàn tay, chân và mắt phải của con bị sưng, tay chân đau và quấy khóc nhiều, gia đình đưa con đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.
Sau khi kết hợp các xét nghiệm máu, hình ảnh học và xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh ban xuất huyết Henoch - Schonlein.Các bác sĩ chuyên khoa cho biết ban xuất huyết Henoch - Schonlein (hay bệnh lý viêm mạch máu IgA) là bệnh lý viêm mạch máu hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt trẻ 3-15 tuổi.
Bệnh được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng như:
- Tổn thương da gồm ban xuất huyết (đè vào không mất), chấm xuất huyết, bầm máu phân bố ở chân, mông, đôi khi ở dái tai và cơ quan sinh dục ngoài.
- Đau khớp gối, cổ chân: Tình trạng đau có thể đau dữ dội nhưng không biến dạng khớp và không di chứng.
- Tổn thương tiêu hóa như đau bụng, ói, tiêu phân đen, tiêu phân máu...
- Tổn thương thận được xem là tổn thương nghiêm trọng nhất vì có thể dẫn tới bệnh thận mạn tính.
Thông tin từ VTV trước đó, vào tháng 6/2022, một bệnh nhân lớn tuổi cũng được điều trị thành công Điều trị thành công cho bệnh nhân bị ban xuất huyết Schonlein-Henoch
Trước khi vào viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết dạng chấm, nốt, nổi gồ lên trên mặt da, vị trí đối xứng ở 2 chi dưới; kèm theo bệnh nhân có các triệu chứng: phù nhẹ 2 chân; đau khớp cổ chân, đau khớp gối; đau bụng từng cơn.
Tại bệnh viện, các xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán: Ban xuất huyết Schonlein-Henoch.
Bác sĩ Chu Thùy Linh, Đơn nguyên Da liễu - Khoa Nội tổng hợp cho biết: Ban xuất huyết Schonlein-Henoch là bệnh viêm mạch hệ thống, gây viêm các mạch máu nhỏ ở nhiều cơ quan: da, khớp, tiêu hóa, thận… Bệnh đặc trưng bởi các ban xuất huyết nổi gồ lên trên mặt da, không có giảm tiểu cầu, thường tập trung ở các vùng chịu áp lực như chi dưới, mông và kèm theo một số các triệu chứng khác như đau bụng từng cơn, nôn, đi ngoài ra máu; sưng, đau các khớp; phù, đái ít, đái máu…
Bệnh còn được biết với nhiều tên gọi khác như viêm mao mạch dị ứng, hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ… Ban xuất huyết Schonlein-Henoch có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi với 50% các trường hợp xảy ra trước 5 tuổi và 75% xảy ra trong độ tuổi 3 - 10, độ lưu hành bệnh trong độ tuổi từ 2 - 16 khoảng 2%, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 2 lần nữ.
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh ban xuất huyết Schonlein-Henoch vẫn còn chưa được biết rõ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra ban xuất huyết Schonlein-Henoch khởi phát sau khi người bệnh mắc các bệnh đường hô hấp trên khoảng vài tuần trước khi xuất hiện triệu chứng với tỷ lệ khoảng từ 30-50%. Hay nguyên nhân do các vi khuẩn hoặc virus như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn lao, nấm. Một số trường hợp bệnh xuất hiện sau khi người bệnh sử dụng thuốc, sau khi tiêm phòng vaccine và sau khi bị côn trùng đốt. Bệnh còn liên quan đến cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, sau khi ăn các thức ăn lạ, khi thay đổi thời tiết.
Theo bác sĩ Linh, ban xuất huyết dị ứng Schonlein-Henoch hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, bảo vệ thành mạch, chống dị ứng, giảm ảnh hưởng tối đa đến các cơ quan và phòng ngừa biến chứng. Do đó, việc theo dõi và điều trị triệu chứng từ sớm sẽ giúp giảm nhẹ và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Bác sĩ Linh khuyến cáo: Trẻ em và người lớn bị ban xuất huyết Schonlein-Henoch cần được nghỉ ngơi tại giường; uống các loại thuốc hỗ trợ điều trị, dùng vitamin, bổ sung nhiều nước và đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, dinh dưỡng và khoa học. Các triệu chứng của bệnh có thể tái phát trở lại và gây biến chứng khác nguy hiểm nên người bệnh cần phải hết sức cẩn thận.