Thông tin mới vụ gia đình ngộ độc nấm rừng ở Hòa Bình: 4 bệnh nhân xuất viện, tiếp tục theo dõi 1 bệnh nhân nặng

Tin y tế 07/03/2023 11:33

Tình hình sức khỏe của 4 bệnh nhân nhập viện trong vụ ngộ độc nấm rừng đã có tiến triển tốt, được xuất viện và theo dõi tại nhà.

Thông tin từ Báo Sức khỏe và đời sống theo TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi trở về nhà, các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sức khoẻ và hiện tất cả đều có sức khoẻ ổn định.

Trước đó, ngày 18/2/2023, gia đình với 8 người ăn cơm trưa, trong số thức ăn có món canh được chế biến từ nấm hái ở trên rừng. Sau ăn khoảng 10-12 giờ, 6 người lần lượt có các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, người mệt lả.

Hai bệnh nhân có triệu chứng nặng nhất được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị, trong đó một bệnh nhân không may diễn biến nặng đã tử vong, một bệnh nhân hiện tại đã ổn định hơn nhưng vẫn đang phải điều trị và theo dõi tích cực do chức năng gan chưa hồi phục hoàn toàn.

Bốn bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau hơn 1 tuần điều trị, chăm sóc tích cực đã hồi phục sức khoẻ, được xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khoẻ ở nhà.

Thông tin mới vụ gia đình ngộ độc nấm rừng ở Hòa Bình: 4 bệnh nhân xuất viện, tiếp tục theo dõi 1 bệnh nhân nặng - Ảnh 1
Các bệnh nhân trong vụ việc ngộ độc nấm rừng. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Cũng theo báo Lao Động trước đó, tại trung tâm Y tế huyện Mai Châu các bệnh nhân đã được xử trí truyền dịch, uống than hoạt, giảm đau, giảm tiết, kháng sinh đường ruột.

Đến 8h sáng 20.2, có 2 bệnh nhân H.T.B (40 tuổi, trú tại thị trấn Mai Châu) và H.C.L (37 tuổi) có dấu hiệu bệnh không tiến triển. Sau khi hội chẩn Trung tâm Y tế huyện Mai Châu đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đến 00h30 ngày 22.2 bệnh nhân H.C.L có tiên lượng rất xấu mặc dù được các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân từ vong được xác định do bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngộ độc nấm, biến chứng suy đa tạng.

Theo khai thác bệnh nhân cho biết, sáng ngày 17.2, 2 người dân sau khi đi rừng có hái một túi nấm rừng (khoảng 200g) mang về nấu canh nấm với lá lốt. Bữa ăn có thêm các món: măng đắng xào, thịt gà, lươn xào tai chua, lòng lợn chín mua ở chợ, canh rau mùng tơi và uống rượu.

Khoảng 15 giờ sau ăn, 4 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Thông tin mới vụ gia đình ngộ độc nấm rừng ở Hòa Bình: 4 bệnh nhân xuất viện, tiếp tục theo dõi 1 bệnh nhân nặng - Ảnh 2
Loại nấm dễ bị nhầm lẫn. Ảnh: Internet

Khoảng 6h44 ngày 18.2, 1 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Mai Châu cấp cứu. Sau đó khoảng 3 giờ, tiếp tục có 3 bệnh nhân được đưa vào đây để điều trị với cùng triệu chứng.

Sáng 19.2, tiếp tục có 2 bệnh nhân được đưa đến cấp cứu. Tại trung tâm Y tế huyện Mai Châu các bác sĩ đã xử trí truyền dịch, uống than hoạt, giảm đau, giảm tiết, kháng sinh đường ruột.

Đến 9h ngày 20.2, 2 bệnh nhân này có dấu hiệu bệnh không tiến triển, sau khi hội chẩn, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Các bệnh nhân còn lại tiến triển tốt không nôn, không đi ngoài thỉnh thoảng còn đau bụng âm ỉ quanh rốn đang tiếp tục điều trị tại Khoa Nội của Trung tâm y tế huyện Mai Châu.

 

BS. Tình cho biết, tất khó phân biệt nấm độc và nấm không độc về màu sắc và mùi vị. Nấm độc cũng có màu sắc giống nấm thường, mùi vị cũng thơm và dễ ăn. Có nhiều loại nấm độc mọc tự nhiên nhưng trên lâm sàng thường chia ra thành 2 loại.

- Loại gây ngộ độc nhanh (trước 6 giờ sau ăn) và loại gây ngộ độc chậm (6-40 giờ sau ăn). Các ca ngộ độc sớm thường được chẩn đoán kịp thời, chất độc còn trong đường tiêu hoá nên điều trị thường hiệu quả, ít có trường hợp tử vong.

- Các ca ngộ độc chậm thường đến viện muộn, chất độc đã ảnh hưởng đến các tạng trong cơ thể nên điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên (đặc biệt là nấm rừng) hoặc nấm không rõ nguồn gốc để làm thức ăn. Khi không may bị ngộ độc nấm, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu nhanh nhất.

Hà Nội: Nghẹt thở giây phút cứu người phụ nữ bị máy ép cuốn cánh tay dập nát, các múi cơ bầm dập, rất nhiều dị vật

Nhập viện trong tình trạng cẳng tay trái tổn thương nặng, mất máu và các múi cơ bị bầm dập khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng sốc và đau đớn.

TIN MỚI NHẤT